"Ma làng" và những bộ phim kinh điển của "ông Phần nông thôn"

Hương Hồ

(Dân trí) - Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần qua đời vào sáng 22/5 ở tuổi 77. Ông đã để lại cho nền điện ảnh Việt Nam những tác phẩm kinh điển về làng quê, đưa ông đến với danh xưng "ông Phần nông thôn".

Kể từ năm 2000, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần làm nhiều phim về đề tài nông thôn, gây được tiếng vang và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, có thể kể đến như: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Làng ma 10 năm sau…

Nói về lý do lựa chọn chủ đề này để khai thác, NSND Nguyễn Hữu Phần từng tiết lộ là vì điều này có thể giúp ông phục vụ được số đông khán giả.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, dù là "trai phố cổ" Hà Nội nhưng NSND Nguyễn Hữu Phần có hiểu biết sâu sắc về nông thôn, sáng tạo nhiều thước phim sinh động về đề tài này.

Ma làng và những bộ phim kinh điển của ông Phần nông thôn - 1

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần xuất thân là nhà giáo (Ảnh: Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cung cấp).

Dẫu vậy, NSND Nguyễn Hữu Phần từng khiêm tốn cho rằng, với đề tài nông thôn, ông làm không có gì là phát hiện mới cả. Điều khác biệt ở ông là khi làm phim, ông luôn đưa một số tính cách đặc biệt vào phim. Ví dụ như Đất và người có Chu Văn Quềnh, Ma làng có Dỏ, Ló, Tòng… là những nhân vật có tính cách đặc biệt.

"Giống như trong văn học, Chí Phèo là nhân vật đáng nhớ nhất, còn những nhân vật như chị Dậu, anh Pha là những người không có tính cách đặc biệt.

Từng có thời kỳ văn học và phim ảnh bị "một màu". Trong khi đó, tất cả chuyện xảy ra đều do tính cách. Khi đi dạy sinh viên ở trường Sân khấu Điện ảnh, tôi thường dạy họ biết cách phát triển tính cách cho nhân vật chứ không nói về cái gì lớn lao cả.

Ngoài chuyện tính cách, phim của tôi không có ác và xấu. Ma làng, Đất và người có những Chu Văn Quềnh, Ló, Dỏ gần như lưu manh nhưng họ vẫn tử tế, chỉ là do bị cuộc đời này làm cho hỏng đi, thành lưu manh hóa chứ bản chất là lương thiện và cuối cùng họ sống tốt lắm…", NSND Nguyễn Hữu Phần từng nói.

Ma làng và những bộ phim kinh điển của ông Phần nông thôn - 2

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đặc biệt nổi tiếng với những bộ phim về đề tài nông thôn (Ảnh: Tư liệu).

"Đất và người"

Bộ phim Đất và người được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Phim phát sóng lần đầu vào năm 2002 trên kênh VTV1.

Đất và người kể về làng Giếng Chùa có hai dòng họ Trịnh và Vũ cùng những oán hận, mưu mô và thù địch với nhau. Đó là những con người gia trưởng, phong kiến; những con người luồn cúi, nịnh bợ với mưu mô toan tính và cả câu chuyện về những nạn nhân của việc tranh đấu giữa các thế lực…

Nam đạo diễn từng kể, nhiều khán chia sẻ với ông rằng, họ muốn cùng con cái xem Đất và người để các con thêm hiểu về cuộc sống nông thôn.

"Có khán giả khác tâm sự với tôi, họ muốn cùng con mình ngồi xem Đất và người để chỉ cho con cánh đồng thế nào, con trâu ra sao… Tôi nghĩ rằng, kể cả người thành phố bây giờ hầu như cũng đều có xuất thân từ nông thôn. Cho nên, tôi muốn làm ra bộ phim đánh đúng vào tâm lý, tình cảm của họ", ông từng bộc bạch.

Trích đoạn phim "Đất và người" (Video: VTV).

"Ma làng"

Bộ phim Ma làng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong.

Tác phẩm lấy bối cảnh một vùng quê nghèo miền Bắc thập niên 1980, phản ánh cơ chế bao cấp lạc hậu, sự suy thoái đạo đức của tầng lớp cán bộ địa phương vì lợi ích cá nhân, dòng họ.

Sau khi lên sóng, phim gây tiếng vang vì kịch bản mới lạ, diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên.

Sinh thời, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng chia sẻ, ông gặp khó khăn khi chọn các gương mặt phù hợp, toát lên tính cách của những nhân vật sống trong thời kỳ khó khăn, nhiều biến động. Nghệ sĩ Bùi Bài Bình, cố diễn viên Hồng Sơn, Kim Oanh, Phùng Cường... là những người được đạo diễn gửi gắm vào vai chủ chốt.

Nam đạo diễn từng chia sẻ, sau khi phim Ma làng lên sóng, có một vị đại gia sống ở miền Nam đã liên lạc với đoàn phim và tặng tiền cho mọi người để liên hoan. Vị đại gia này cho biết, bộ phim đã làm sống dậy những hồi ức của ông về những năm tháng lang bạt, khổ sở ở các vùng quê.

"Gió làng Kình"

Gió làng Kình lên sóng năm 2008, kể câu chuyện xảy ra trong 3 năm từ 2004 đến 2006 tại làng Kình - một làng vùng châu thổ sông Hồng. Chuyện phim xoay quanh một vấn đề tưởng chừng rất nhỏ như bầu trưởng thôn, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân khi mọi chuyện "sai một ly đi một dặm".

Đạo diễn, NSND Khải Hưng từng chia sẻ, Gió làng Kình thuộc dòng phim chính luận, với đề tài nông thôn quen thuộc nhưng mang hơi thở cuộc sống hiện đại nên không cũ đối với người xem.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng từng cho biết, nếu như những bộ phim nông thôn trước đây thường lấy bối cảnh thời bao cấp, thì Gió làng Kình chọn bối cảnh thời kỳ đổi mới, khi người nông dân đứng trước "ngọn gió" của kinh tế thị trường, lợi lộc từ chuyện đất đai ập đến mạnh mẽ và bất ngờ.

Nông thôn không chỉ có ruộng cày, thóc lúa, nón lá, áo nâu, chân đất mà đã có quán karaoke, bia, cà phê, nam nữ thanh niên áo phông quần bò, thậm chí có cả nhân vật gái làm tiền, giải nghệ về quê sinh sống…

Nhưng bên cạnh đó nông thôn của Gió làng Kình còn có những ngôi nhà cổ, có lề thói, tục lệ của các dòng họ. Cái cũ, cái mới đan xen trong cuộc sống đương đại ở phim đã đem lại cảm giác gần gũi cho khán giả.

Ma làng và những bộ phim kinh điển của ông Phần nông thôn - 3

Cảnh trong phim "Ma làng" (Ảnh: VTV).

"Làng ma 10 năm sau"

Làng ma 10 năm sau là phần 2 tiếp nối những câu chuyện từ phần 1 Ma làng của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ở phần 2 của bộ phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tự viết kịch bản và đạo diễn.

Làng ma 10 năm sau là câu chuyện của đời sống nông thôn với biết bao bi hài trước thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đó là những vụ tranh chấp đất đai, là mâu thuẫn giữa chính quyền xã và người nông dân, là sự xuất hiện của những cường hào, chưởng lý đời mới...

Đó còn là nạn cờ bạc, lô đề, chuyện thất học, thất nghiệp hay chuyện mua quan bán chức từ cấp thôn, xã… Mỗi câu chuyện, mỗi tuyến nhân vật đều được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chắt lọc từ đời sống, từ chuyện mắt thấy tai nghe, từ những chuyến thực tế.

Sinh thời, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, có lẽ, cuộc sống nông thôn đã trở thành một phần con người ông. Mảng đề tài này không chỉ là sở trường của đạo diễn mà còn là niềm day dứt, không yên của "ông Phần nông thôn".