Xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng: Nên “đánh” vào… danh dự!

(Dân trí) - “Hiện chưa có quy định về việc kỷ luật một vị đã từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn mà giờ đã thôi, không còn chức vụ đó nữa chứ chưa nói đến hình thức “cách chức”. Vấn đề ở đây phải xem xét trên tinh thần “đánh” vào… danh dự” - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão trao đổi.

Ông Vũ Mão trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 15/11.
Ông Vũ Mão trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 15/11.

- Vừa qua, các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều đến việc cơ chế nào để xử lý kỷ luật với nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sau chỉ đạo của Ban Bí thư TƯ Đảng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi biết Văn phòng Quốc hội cũng rất lúng túng vấn đề này. Ông Vũ Huy Hoàng nguyên là Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương và là đại biểu Quốc hội khóa trước, mà Đảng quyết định kỷ luật như thế, tôi hiểu là Đảng đã rất nghiêm minh. Đảng đã quyết định hình thức kỷ luật là cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng với ông này.

Theo nhận thức cá nhân, tôi cho là Đảng nên giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, điều tra, xem xét mức độ vi phạm của ông vũ huy Hoàng như thế nào. Trên cơ sở điều tra của các cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra nhà nước, VKS, kiểm toán… liên quan đến những vấn đề thực thi chức năng nhiệm vụ để kế luận về mức độ sai phạm của ông Hoàng, từ đó mới có hướng xử lý đầy đủ, toàn diện.

- Điểm vướng mắc mà phía các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đang băn khoăn là chưa có tiền lệ kỷ luật cách chức một cán bộ cấp cao khi người này đã không còn đảm nhiệm chức vụ đó. Vì vậy, việc tìm quy định, quy trình khả thi để áp dụng xử lý trường hợp này cũng khó khăn?

- Đúng là theo Hiến pháp, các quy định pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có quy định về việc kỷ luật một vị đã từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn mà giờ đã thôi, không còn chức vụ đó nữa chứ chưa nói đến hình thức “cách chức”. Mà đã chưa có quy định pháp luật thì không thể làm được và cũng không nên làm thế.

- Vậy có cách thức nào để có thể thực hiện hướng chỉ đạo của Ban Bí thư TƯ Đảng, thưa ông?

- Chính vì vướng nên việc điều tra để kết luận xem vi phạm của cán bộ đến đâu, ở mức độ nào là cần thiết. Hiện anh Vũ Huy Hoàng vẫn là một đảng viên, một công dân, mà tất cả những dấu hiệu vi phạm đã nêu là ở thời kỳ anh ấy còn làm việc. Phần quan trọng nhất là xem xét để xem có cần thiết áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng là khai trừ Đảng hay không vì một khi đã áp dụng biện pháp kỷ luật đó thì mọi chức vụ không còn ý nghĩa gì nữa, cả chức danh ủy viên TƯ Đảng hay Bộ trưởng cũng vậy. Nhưng điều đó phải được xem xét trên cơ sở pháp luật công minh, đúng đắn.

Chứ còn giờ nói Chính phủ, Quốc hội đang nghiên cứu cách thức kỷ luật cho thích hợp thì qua thông tin báo chí, những người phát ngôn, người có trách nhiệm đã thông tin là rất khó, các cơ quan đều rất lúng túng, chưa biết xử lý như thế nào.

- Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo giao cơ quan tham mưu quy trình xử lý việc kỷ luật hành chính nhưng nguyên Bộ trưởng Công Thương là một chức danh do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm. Việc xử lý kỷ luật, theo đó cũng phải phối hợp giữa các cơ quan này?

- Theo tôi, việc kỷ luật hành chính rất khó thực hiện vì như đã nói, hệ thống pháp luật hiện hành, kể cả luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đều không có quy định về vấn đề xử lý kỷ luật hành chính hay xử lý về chức vụ với người không còn đảm nhiệm chức vụ đó.

Việc kỷ luật cán bộ ở cấp quản lý này cần phối hợp giữa 3 cơ quan Đảng - Chính phủ - Quốc hội mà việc phối hợp này thực tế vừa qua khá tốt, đã làm rõ được những vấn đề tưởng chừng đã bị trôi qua. Nhưng vấn đề cốt lõi phải hiểu lúc này là, nhà nước pháp quyền thì phải tôn trọng pháp luật, nguyên tắc, một người chỉ bị coi là có tội khi có kết luận, phán quyết đã có hiệu lực mà tòa án hoặc một người chỉ bị xem là có khuyết điểm khi có kết luận của các cơ quan chức năng sau quá trình điều tra, xem xét cụ thể theo quy định. Khi đó, khuyết điểm đến đâu thì xử lý đến đó.

Người đó bây giờ không còn chức vụ nữa thì xử lý thế nào, nhất là khi anh ấy vẫn đang còn là đảng viên.

- Cũng không thể triệu tập lại Quốc hội khóa trước để bỏ phiếu bãi miễn hay tước bỏ vai trò đại biểu Quốc hội, chức danh Bộ trưởng đã phê chuẩn với người này, thưa ông?

- Không thể bãi miễn được vì giờ ông ấy có còn là đại biểu Quốc hội nữa đâu. Vấn đề ở đây phải xem xét trên tinh thần, thứ còn lại với mỗi con người, cao nhất là danh dự. Nếu đến giờ xem xét mà thấy mức sai phạm tới “độ” phải khai trừ Đảng thì đó là hậu quả nặng nề nhất rồi, như thế coi như là mất hết tất cả rồi. Tôi chưa thể nói về mức độ vi phạm của ông Hoàng như thế nào vào lúc này, chỉ biết trong dư luận, các thông tin chính thức đã đưa ra thì ông Hoàng có khuyết điểm và khuyết điểm đó, theo tôi, cần phải điều tra, xem xét, kết luận một cách đích thực.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)