Xoá bỏ lương cơ sở, xây dựng 5 bảng lương mới với công chức
(Dân trí) - Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương được Trung ương Đảng thông qua không duy trì lương cơ sở mà quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang…
Sáng 12/5, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, về vấn đề cải cách tiền lương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Trung ương nhấn mạnh, phải coi chính sách tiền lương là đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy. Tiền lương tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc làm cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.
Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế.
Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Với những nguyên tắc đó, hội nghị đã đề ra nhiều điểm mới trong lần cải cách này.
Cụ thể, đối với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Nhà nước xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụlãnh đạo; và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng mức chi thu nhập tăng thêm.
Đối với khu vực doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành sẽ được tách bạch. Nhà nước thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.
Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Để bảo đảm cân đối tài chính Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, cần khẩn trương bổ sung, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ và đúng đắn hơn trong quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề cụ thể để tăng tính bền vững của chính sách bảo hiểm xã hội, thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với quá trình già hoá dân số.
Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được Trung ương thống nhất ban hành với yêu cầu sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng phù hợp thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp. Điều chỉnh tỉ lệ tích lũy để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và bền vững.
P.Thảo