“Lương xứng đáng, công chức không phải suốt đời chạy đua chức vụ”

(Dân trí) - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải khuyến cáo, cần chú ý tới bảng lương của công chức, chuyên gia với mức thỏa đáng để cán bộ công chức có thể yên tân phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời, không phải chạy đua theo chức vụ…

Trong phiên thảo luận chiều 9/5 về đề án cải cách tiền lương, 15 ủy viên Trung ương đã phát biểu ý kiến về những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra nhằm thực hiện triệt để, toàn diện chính sách tiền lương, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn lực để thực hiện đề án.

Trung ương thảo luận về đề cán cải cách tiền lương
Trung ương thảo luận về đề cán cải cách tiền lương

Lương “lạc hậu” làm phát sinh thu nhập ngoài lương

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến cân đối vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng. Chính sách tiền lương ở Việt Nam tính đến nay đã trải qua 4 lần cải cách. Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tiền lương đang tồn tại nhiều bất cấp, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội.

Mục tiêu tổng thể của Đề án cải cách tiền lương lần này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ổn định, thống nhất, liên tục, thông suốt, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng chống tham nhũng; thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các ủy viên Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chính sách tiền lương của nước ta hiện nay, đề nghị rút ra các kinh nghiệm, bài học để việc triển khai nghị quyết mới cải cách tiền lương được hiệu quả.

Ông Ngô Đông Hải - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu ý kiến, thực tiễn 20 năm qua cho thấy mong muốn cải cách tiền lương không thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là nhà nước không thực hiện triệt để đưa các loại chi phí vào lương. Chính vì thế, lương không xác đáng và cào bằng.

Ông Hải cũng chỉ rõ, nguồn lực có hạn, lương được điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường. Đặc biệt quy định mặt bằng lương theo hệ số nên làm mất ý nghĩa tiền lương.

“Quá trình thực hiện tiền lương, do bất cập tiền lương dẫn đến việc phát sinh các loại phụ cấp và thu nhập ngoài lương. Đặc biệt, việc ban hành và quyết định phụ cấp thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào, dẫn đến phụ cấp đặc thù, làm cho méo mó quan hệ tiền lương, mất đi vai trò ý nghĩa của tiền lương, nhất là tiền lương không còn là vai trò chính và là động lực của cán bộ công chức” – Phó Trưởng Ban Kinh tế nhận xét.

Giảm bớt gánh nặng chi lương từ ngân sách

Các đại biểu cũng đã chỉ ra nhiều hệ lụy từ bất cập trong chính sách tiền lương, đặc biệt là lương khu vực công thấp, không khuyến khích được người lao động, không thu hút được nhân tài vào làm việc tai khu vực này.

Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung phân tích làm rõ đó là với những mục tiêu có thể nói đầy tham vọng mà Đề án đề ra, thì đâu sẽ là các nguồn lực để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường nêu vấn đề, tăng năng suất lao động, mấu chốt nhất hiện nay là từ Nghị quyết Trung 3 khóa 11 “Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược”. Nghị quyết này nếu được thực hiện thành công sẽ đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa lên mức độ “khá”.

Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng phân tích: “Muốn có nguồn cải cách tiền lương, phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa. Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt cho chúng ta gánh nặng phải chi ngân sách cải cách tiền lương. Dùng cơ chế nhất định sẽ hiệu quả. Chúng tôi thấy đây là điểm nếu tập trung làm mạnh có nguồn quan trọng để chúng ta cải cách tiền lương”.

Đồng tình với quan điểm này, Ông Bùi Nhật Quang - Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị, việc cải cách kinh tế, cải cách thu chi ngân sách tạo nguồn cho cải cách tiền lương là việc phải làm ngay chứ không phải chờ đến năm 2021.

Đánh giá đề án có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, tuy nhiên một số đại biểu cũng lưu ý, cần tính đến đặc thù vùng miền, không cào bằng, vì thực mức độ chi phí của mỗi vùng miền khác nhau.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải

Ông Phạm Hoài Nam, Tư lệnh quân chủng Hải Quân so sánh, sự phát triển đó không đồng đều giữa miền núi, đồng bằng, bắc- trung-nam thành thị và nông thôn thì chi tiêu của cán bộ công chức khác nhau. Có những thành phố lớn 1 công chức phục vụ hơn 1 vạn dân. Có những tỉnh, thành phố nhỏ hơn thì một công chức vài trăm dân hoặc hơn 1 nghìn dân. Chính sách đãi ngộ đối với từng công chức, từng địa bàn phải phù hợp, đáp ứng năng lực lao động của các đồng chí bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng các tỉnh, thành phố, vùng miền thì rất nguy hiểm, sẽ một lần nữa “kéo lùi” chính sách tiền lương.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn là phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ có dẫn đến tình trạng cán bộ công chức không tập trung phấn đấu về công vụ, chức nghiệp mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ?

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải, việc tách riêng bảng lương chức vụ nhằm thực hiện nguyên tắc thứ bậc là thỏa đáng với người có trách nhiệm, chức vụ. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp để không làm phát sinh cuộc chạy đua.

Cụ thể, ông Hải đề nghị gắn phân định bảng lương vào việc xem xét đề bạt cán bộ trong đề án xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược cho chặt chẽ, có chất lượng, đúng người đúng việc. Ngoài ra, nhà nước cũng cần thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức để cán bộ công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp.

Ông Hải cũng khuyến cáo cần quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng để cán bộ công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời không phải chạy đua theo chức vụ.

P.Thảo