“Tham nhũng len lỏi trong cuộc sống, không từ bỏ cấp nào, ngành nào”
(Dân trí) - Ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, tham nhũng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành. Tham nhũng len lỏi trong cuộc sống của chúng ta, không từ bỏ cấp nào, ngành nào. Muốn hạn chế được nó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, có bài bản.
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều qua (9/11), đại biểu Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có nơi còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
“Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có cơ chế để không muốn tham nhũng, không thể và sợ tham nhũng. Việc ban hành luật pháp còn điểm sơ hở, có chỗ chưa phủ kín được hết hành vi, đối tượng dẫn đến tham nhũng”- ông Chính phân tích.
“Tham nhũng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, như vậy tham nhũng len lỏi trong cuộc sống của chúng ta, không từ bỏ cấp nào, ngành nào. Vậy nguyên nhân không hiệu quả là vấn đề kê khai. Muốn hạn chế được nó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, có bài bản”.
Nếu thu hẹp phạm vi kê khai tài sản mà hệ thống chính trị các cấp, ngành hoạt động không hiệu quả thì vẫn khó ngăn chặn. Nếu mở rộng ra, hệ thống chính trị nơi nào không có hiệu quả, không nghiêm túc, không quyết liệt thì vẫn là sơ hở, không ngăn chặn được.
“Tham nhũng rơi vào cán bộ có chức, có quyền, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành chứ không phải tập trung ở chỗ nào. Tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, trên có, dưới có, thực tế là vậy, như dịch bệnh nhiều nơi. Nhưng giờ khoanh lại, như bệnh dịch thì lại cũng chưa ổn, vì dịch nhiều nơi”- ông Chính nói.
Chính vì vậy, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng không nên khoanh lại phạm vi hẹp hơn, bởi nếu chỉ tập trung “ở trên” thì “ở dưới” ai làm? Phải bám sát phân cấp cán bộ quản lý, ở cấp nào, ngành nào cán bộ để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Ông nhấn mạnh việc hạn chế sinh ra tổ chức bộ máy, sinh ra con người, lương bổng, phương tiện, chi phí hoạt động, trụ sở... “Nếu không giảm 65% tổng chi ngân sách chi phí thường xuyên này thì không có dư địa nào để cải cách tiền lương được. 2 nhiệm kỳ trước đưa ra bàn nhưng vì có nguồn đâu, vì chi thường xuyên đang tăng lên, nợ công đạt trần”- ông Chính ví dụ.
“Thấy tiền không thích, gái đẹp không đòi hỏi”
Đại biểu Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2 - phản ánh, bây giờ có cả dân tham nhũng, môi giới làm đủ kiểu để tìm hiểu về con cháu lãnh đạo ở đâu để tiếp cận.
“Khi ông to đến thăm thì vo ve kể khổ, bác có việc gì cho cháu làm. Mánh khoé lắm. Quan chức về hưu thì làm nhà thờ họ vài chục tỷ có kê khai không, giỗ thì xe to xe nhỏ, ách tắc cả giao thông. Người dân rất bất bình. Chính vì thế tự phòng là quan trọng”- ông Cò nói.
Vị đại biểu tỉnh Hà Giang phân tích, cán bộ không tốt thì dân không được nhờ. Đức là gốc của người cán bộ, có tài không có đức thì hại nước hại dân. “Chính vì thế nên phải làm sao giáo dục cán bộ kiên định vững vàng, thấy tiền không thích, gái đẹp không đòi hỏi”- ông Sùng Thìn Cò lấy ví dụ.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Hiệu trưởng Học viện Cán bộ TP.HCM cho biết, dự kiến sẽ đưa nội dung tham quan nhà tù vào chương trình đi thực tế với các lớp đào tạo bồi dưỡng cho một số cán bộ, công chức tại ngôi trường này.
“Tôi rất đồng ý là ở bậc đại học và cao hơn chúng ta phải hết sức lưu ý giáo dục Luật phòng chống tham nhũng”- ông Ngân nói.
Bí thư Thành ủy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, khi ông học về quản lý nhà nước tại Mỹ, nội dung tham quan nhà tù đã có trong chương trình học. Ngoài ra, các học viên còn đi tham quan các bãi rác cực kỳ ô nhiễm, sau đó được đi thực tập trong các doanh nghiệp để có thực tiễn cao nhất.
Thế Kha