Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Không ngả về bên này, bên khác”

(Dân trí) - "Nếu không giữ được độc lập, tự chủ, không phát huy được chính sách đối ngoại độc lập tự chủ mà ngả bên này, nghiêng bên khác sẽ tạo ra môi trường ảnh hưởng an ninh chung", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội Đảng lần thứ XII, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dành nhiều thời gian để nói về công tác đối ngoại trong tình hình mới.

"Có nhiều yếu tố tác động, dẫn tới tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, trong đó có một vấn đề là các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng. Đã cạnh tranh ảnh hưởng tất sẽ xảy ra cọ xát về lợi ích chiến lược, lợi ích an ninh và lợi ích kinh tế. Trong bối cảnh đó, nếu không giữ được độc lập, tự chủ, không phát huy được chính sách đối ngoại độc lập tự chủ mà ngả bên này, nghiêng bên khác sẽ tạo ra môi trường ảnh hưởng an ninh chung.

Chính vì vậy, Đại hội Đảng nêu rất rõ mục tiêu của chúng ta là phải thực hiện đường lối đối ngoại độc lâp, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ. Điều này có nghĩa là, giữ quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Một trong những thành công rất lớn của chúng ta trong 5 năm vừa qua là xây dựng được khuôn khổ quan hệ, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước quan trọng nhất trên thế giới. Ít nước nào có thể xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện như Việt Nam.

Điều đó thể hiện chúng ta có những chính sách đúng đắn. Và điều đó cũng góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam ngày càng tăng nên các nước mới thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với Việt Nam”.

Bàn về chuyện này, vẫn còn đâu đó có ý kiến băn khoăn, đất nước ta ký kết hợp tác chiến lược với nhiều nước nhưng lợi ích thực sự và mối liên kết với các đối tác này thực chất như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Đến nay chúng ta thiết lập được 15 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện. Không nên chỉ nhìn khía cạnh lợi ích cụ thể mà đối tác này đối tác kia mang lại một cách riêng rẽ, bởi như thế thì chúng ta không thấy được.

Nhìn lại tổng thể chính sách đối ngoại của một đất nước, nếu chúng ta xây dựng được càng nhiều bạn, mà bạn bè mang tính tin cậy cao về chính trị, hợp tác tốt về quân sự, quốc phòng an ninh và quan hệ kinh tế mở rộng thì đó là tổng hòa các mối quan hệ, sẽ tạo cho đất nước có được môi trường thuận lợi với các nước.

Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, ngoài tất cả các thách thức bên trong còn có những vấn đề bên ngoài liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ; liên quan đến vị thế, gắn liền sự quan hệ của từng nước. Nếu giữ quan hệ mà trong một khuôn khổ thuận lợi thì rõ ràng khi đó chúng ta giữ và tạo được nền tảng về chính trị.

Chính từ những nền tảng với từng đối tác chiến lược, chúng ta có nhấn mạnh về khía cạnh cụ thể. Có nước nhấn mạnh về đối tác kinh tế, các nhà đầu tư lớn, có nước chúng ta tranh thủ được về khoa học công nghệ, có nước về văn hoá giáo dục…Mỗi nước có một thế mạnh riêng.

Điều này được soi chiếu với mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như thế nào, thưa ông?

Việt Nam nhiều năm qua đã xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Và vừa qua, chúng ta còn đưa mối quan hệ với Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có vấn đề khác biệt giữa hai bên. Khác biệt lớn nhất chính là việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế.

Phải khẳng định rằng, trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta giải quyết các vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông, thông qua thương lượng, giải quyết hòa bình.

Liên quan đến cam kết quốc tế, việc hội nhập tạo ra động lực đổi mới, phát triển kinh tế, tăng sức cạnh tranh. Nhưng bản thân cạnh tranh không chỉ đến từ áp lực, mà còn đến từ sự thay đổi thể chế kinh tế?

Đương nhiên ta đã tham gia vào hội nhập quốc tế, nghĩa là ta tham gia vào tiêu chuẩn chung thế giới, mà đáp ứng được tiêu chuẩn chung thế giới, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng khả năng cạnh tranh của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế trước những đòi hỏi chung của thị trường thế giới.

Nếu như không cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch nền kinh tế, tăng hàm lượng công nghệ lên thì chúng ta không cạnh tranh được.

Và những cơ hội mà các hiệp định thương mại chúng ta không đáp ứng được thì cuối cùng chúng ta bị thách thức.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Phúc Hưng – Anh Thế (ghi)