Người cựu chiến binh “mê” làm từ thiện
(Dân trí) - Bị thương ở chiến trường và rời quân ngũ theo chế độ bệnh binh 2/3, ông nhớ lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”. Từ đó, ông quyết tâm vượt khó vươn lên. Trải qua nhiều gian khổ, ông đã thành công và dành thời gian công sức cho công việc từ thiện.
Ông là cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuyên (SN 1950, trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam).
Ông sinh ra và lớn lên ở phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1968, theo tiếng gọi của Đảng, ông tình nguyện vào quân đội và được đơn vị điều về C39-D41-E35-G471, đóng quân tại nước bạn Lào.
Năm 1971, ông bị thương nặng và điều trị tại bệnh xá 3 tháng. Đến năm 1974, theo yêu cầu của chiến trường, ông được điều về D21-F472 công tác tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng.
Năm 1978, ông lập gia đình, vợ ông cũng là một quân nhân. Năm 1981, ông được đơn vị cho nghỉ chế độ bệnh binh 2/3 vì sức khỏe yếu, vết thương hay tái phát.
Ông chia sẻ: Sau khi tôi rời quân ngũ về với gia đình, tài sản duy nhất là 1 chiếc ba lô quân tư trang của anh Bộ đội Cụ Hồ và khoản thu nhập hàng tháng từ chế độ bệnh binh. Gia đình bố mẹ tuổi già sức yếu, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ vợ thì chết trong thời kỳ chống Mỹ. Lúc bấy giờ mới giải phóng, kinh tế còn nhiều khó khăn, tôi không biết nhờ vào đâu và tôi đã nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Từ lời dạy của Bác, ông tự nhủ phải quyết tâm vượt khó vươn lên chính mình, ông đã mạnh dạn mở một quán cà phê tại địa phương, công việc này phù hợp với sức khỏe của ông và gia đình.
Kinh doanh được ít năm, kinh tế gia đình tạm ổn, sức khỏe của ông cũng khá hơn, các con ông cũng lớn nên ông muốn làm giàu cho gia đình. Nghĩ thế nên ông lên các huyện miền núi Quảng Nam tìm công việc làm ăn mới.
Ở các huyện này, ông phát hiện có nhiều sắt phế liệu sau chiến tranh nên ông vận động bà con dân bản đi gom về bán cho ông, khi đủ xe ông chở về bán cho doanh nghiệp. Lúc này, ông biết công ty này có nhu cầu mua mây xuất khẩu, ông mạnh dạn làm việc với công ty. Khi được chấp nhận hợp đồng, ông về các xã miền núi của huyện Đại Lộc vận động người dân đi khai thác mây bán cho ông.
Công việc làm ăn thuận lợi, ông mua ô tô về chở mây để chủ động khâu vận chuyển và tăng thêm thu nhập. Khi có xe ô tô, ông ra Quảng Bình, vào Quảng Ngãi hợp đồng lao động đi khai thác mây với số lượng có lúc lên đến 500 người.
Trong khoản thời gian từ 1989-1998, ông đã trả hết số tiền vay mượn trước đó để làm vốn, còn lại ông cất được căn nhà trị giá 400 triệu đồng; dư vài trăm triệu, ông thành lập công ty chuyên thu mua hàng nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc, Hồng Kông. Tuy nhiên, đến năm 2001, do thị trường nước ngoài biến động nên công ty thua lỗ phải giải thể.
Đến năm 2002, ông nghe tin Nhà nước mở rộng nâng cấp QL40B nên ông nghĩ đến việc cung cấp vật liệu xây dựng và thi công dự án. Ông lại thành lập công ty, vay thêm ngân hàng để mua xe tải, máy đào và tham gia đấu thầu thi công QL40B.
Chỉ trong vài năm, công ty của ông có doanh thu cả chục tỉ đồng, đóng thuế nhà nước hàng trăm triệu đồng. Không những thế, ông còn cung cấp vật liệu xây dựng sang tận công trình ở nước bạn Lào.
Ngoài nỗ lực bản thân để vượt qua khó khăn trong kinh doanh, ông luôn tích cực tham gia công tác từ thiện tại địa phương.
Năm 2006, dù cơn bão số 6 đã làm công ty ông thiệt hại cả trăm triệu đồng nhưng ông vẫn dành một khoản tiền giúp xây dựng căn nhà tình nghĩa, ủng hộ 4 suất quà cho Hội cựu chiến binh huyện Đại Lộc, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ làm mặt bằng cho Trường mầm non xã Đại Hồng với số tiền hàng chục triệu đồng…
Ngoài ra, từ năm 2006 đến năm 2013, ông đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để xây dựng hàng rào trường tiểu học xã Đại Sơn, làm bia tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ, làm cổng chào nhà văn hóa thôn…
“Là giám đốc một doanh nghiệp, công việc kinh doanh rất bận nhưng được sự tín nhiệm của các đoàn thể, tôi đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội khuyến học xã và Ủy viên Ban thường vụ Cựu chiến binh xã Đại Hồng. Tôi đã sắp xếp thời gian hợp lý công việc công ty để dành thời gian cho công tác hội”, ông Tuyên chia sẻ.
Không những thế, ông còn đến từng gia đình có học sinh gặp khó khăn để giúp đỡ, vận động các cháu không bỏ học. Trong thời gian hơn 10 năm, ông đã giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn học bổng.
Đặc biệt, số tiền trợ cấp của ông hàng năm ông đều dành để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đối với những hoàn cảnh khó khăn trong làm ăn, ông cho mượn nhưng không tính lãi.
Qua công việc của ông, tỉnh Quảng Nam, Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen; Ủy ban huyện Đại Lộc tặng nhiều giấy khen và nhiều giấy khen từ các ban của xã đến tỉnh. Ông cũng là chiến sỹ thi đua Cựu chiến binh Trung ương, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền…
Công Bính