Ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm thành nỗi lo phá vỡ cảnh quan kiến trúc khu di sản

(Dân trí) - “Dự án ga tàu điện ngầm C9 được đặt tại khu vực Hồ Gươm, cao trên 20m, đỉnh nóc chỉ cách đài nghiên Tháp Bút vài mét. Nhà ga C3 thì sẽ là một kiến trúc hoàn toàn xa lạ với người Việt. Không ai dám khẳng định tuyến đường sắt đô thị này ảnh hưởng thế nào tới cụm di sản quốc gia” – đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng bày tỏ lo ngại.


Đại biểu Triệu Thế Hùng phát biểu tại phiên thảo luận (ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Triệu Thế Hùng phát biểu tại phiên thảo luận (ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự luật Kiến trúc chiều 14/11, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) băn khoăn khi trích dẫn Điều 3 dự thảo luật với quy định “kiến trúc là ngành nghệ thuật và khoa học về tổ chức không gian thiết kế xây dựng công trình, tạo nên không gian sống và hoạt động của con người”.

Ông Hùng “chỉnh” lại, không phải kiến trúc tạo nên môi trường mà môi trường tạo nên kiến trúc. Đại biểu lập luận, theo kinh nghiệm lịch sử phát triển của thế giới, kiến trúc có giỏi đến mấy cũng không thể là sản phẩm của ý chí chủ quan tùy tiện mà phải tuân theo quy luật khách quan của môi trường sinh thái tự nhiên, của sinh tồn cộng đồng.

Đại biểu dẫn chủ trương tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị, nâng cao thẩm mỹ kiến trúc, chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong những công trình xây dựng và kiến trúc mới, nhấn mạnh, những yêu cầu này cần được chú ý nhiều hơn nữa trong lĩnh vực kiến trúc, khắc phục những công trình còn thiếu thống nhất và bản sắc. Đại biểu nhận định, tổng thể các vùng miền toàn quốc hiện chưa có tác phẩm kiến trúc đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc mà vẫn mang tính thời đại.

Ông Hùng nhận định, các dự án kiến trúc gần đây còn nặng về giá trị kiến trúc và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hóa. Nhiều công trình kiến trúc di sản văn hóa bị xâm phạm và có thể bị xâm phạm.

Đại biểu dẫn chứng ngay việc cụm di tích ở Hồ Gươm - nơi được coi như trái tim của cả nước, được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt, đang có nguy cơ bị xâm hại khi dự án ga tàu điện ngầm C9 được đặt tại đây, ngay gần chân Tháp Bút. Nhà ga cao trên 20m, đỉnh nóc chỉ cách đài nghiên Tháp Bút vài mét.

“Không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành đường tàu điện ngầm có gây sụt lở, ảnh hưởng đến cụm di tích này không” – ông Hùng phân tích, đi theo đường tàu điện ngầm còn có nhà ga C3 dự kiến là một kiến trúc hoàn toàn xa lạ với người Việt. Nhà ga này cũng nằm trong vành đai 2 của cụm di tích Hồ Gươm theo quy định của luật Di sản.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 này sau khi hoàn thành, dự kiến thu hút mỗi ngày 5.000 người đổ về khu vực Hồ Gươm. Ông Hùng tự đặt câu hỏi, như thế có giữ được cảnh quan của di sản cấp quốc gia đặc biệt này hay không?

Khu đô thị kiểu mẫu Hà Nội bị băm nát bởi chung cư cao tầng

Ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm thành nỗi lo phá vỡ cảnh quan kiến trúc khu di sản - 2

Chia sẻ tâm tư, đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề cập 7 hạn chế của kiến trúc Việt Nam đã từng được tổng kết, chỉ ra là: hỗn loạn trong kiến trúc tại các đô thị, kiến trúc nông thôn thì bị biến dạng, nhiều kiến trúc truyền thống tại các di sản văn hóa bị xâm hại, tính bền vững trong thiết kế kiến trúc còn hạn chế, không gian công cộng bị lãng quên, quá chú trọng vào các tòa nhà trọc trời, tư duy kiến trúc còn lạc hậu, việc tiếp cận với các xu hướng kiến trúc tiên tiến còn hạn chế và chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố khí hậu đặc trưng trong kiến trúc.

Thực tế hiện nay, nhiều thành phố lớn những năm gần đây xuất hiện các khu đô thị, những tòa nhà cao tầng được xây dựng dày đặc nhưng lại thiếu gắn kết với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông đô thị, thiếu hạ tầng xã hội, dịch vụ công như trường học, cơ sở y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng...

Theo quy hoạch, các xã, phường đều có quỹ đất hợp lý để làm khu vui chơi cho thiếu nhi. Tuy nhiên, hiện không ít quỹ đất dành làm sân chơi, vườn hoa đang bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi kinh doanh, buôn bán.

Ông Thắng dẫn chứng khu đô thị Linh Đàm – Hà Nội từng là khu đô thị kiểu mẫu với những tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, với không gian xanh, vườn hoa, thảm cỏ. Nhưng từ năm 2009, quy hoạch ban đầu dần bị băm nát khi hàng loạt tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên, khiến giao thông khu vực phía Nam thành phố bị quá tải.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về yêu cầu đối với kiến trúc đô là phải đảm bảo đủ hạ tầng xã hội, các dịch vụ công cộng phục vụ nhu cầu dân cư.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đặt vấn đề, yêu cầu đối với kiến trúc đô thị cần có quy định về việc quản lý nhà cao tầng và quản lý không gian cao tầng giữa các tòa nhà cạnh nhau.

Theo đại biểu, thực tế hiện nay, công tác quản lý nhà cao tầng chưa có sự điều tiết về không gian cao tầng giữa các tòa nhà cạnh nhau. Tổ chức không gian, cảnh quan đô thị từng khu vực tuyến phố còn thiếu tính kết nối, chưa kết hợp hài hòa giữa không gian công cộng, cây xanh, mặt nước, quảng trường, tượng đài và kiến trúc công trình cụ thể giữa khu vực đô thị hiện hữu, phố cổ với các khu vực đô thị mới.

Ông Bình cũng muốn có thêm cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kiến trúc đô thị.

P.Thảo