69 triệu cử tri cả nước đi bầu cử
(Dân trí) - Hôm nay, 22/5, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra trên toàn quốc. Trên 69 triệu cử tri cùng đi bầu, chọn từ 870 ứng viên 500 người đại diện của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Con số chính xác tổng số cử tri được lập, đã tiến hành cấp phát thẻ cử tri là 69.265.810 người. Hơn 69 triệu cử tri sẽ cùng bỏ lá phiếu bầu ra người đại diện vào các cơ quan dân cử tại 94.476 tổ bầu cử. Hà Nội, TPHCM là 2 thành phố có số cử tri, số tổ bầu cử lớn nhất cả nước, cũng là những địa phương được phân bổ số lượng đại biểu nhiều nhất (mỗi thành phố sẽ có 30 đại biểu Quốc hội).
Trong số 870 ứng viên đại biểu Quốc hội, có 197 cán bộ do các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Số lượng ứng viên trung ương này không thay đổi qua 3 vòng hiệp thương.
197 ứng cử viên ở Trung ương, có 12 người thuộc khối các cơ quan Đảng, 5 người thuộc khối cơ quan Chủ tịch nước, tư pháp, 17 người thuộc khối Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ (gồm 12 Bộ trưởng, 3 Phó Thủ tướng, Thủ tướng), 113 người thuộc khối Quốc hội, 31 người thuộc khối UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Cả 19 Uỷ viên Bộ Chính trị cùng ứng cử làm đại biểu Quốc hội khoá XIV này.
Trong cuộc bầu cử hôm nay, những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham gia bỏ phiếu ở Hà Nội, tại nơi cư trú. Được biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở về từ chuyến công du tới Nga và sẽ thực hiện quyền/nghĩa vụ công dân tại Hải Phòng – cũng là địa phương ông được phân ứng cử.
Trao đổi về những công tác chuẩn bị sau cùng trước giờ những lá phiếu đầu tiên được thả vào hòm phiếu, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia – Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dù còn nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua, 870 người trong danh sách ứng cử viên được công bố gần 1 tháng trước đều đủ điều kiện để đưa ra bầu.
“Tất cả các khiếu nại, tố cáo về các ứng cử viên gửi đến các cơ quan trước ngày 12/5 vừa qua đã được giải quyết ở Hội đồng Bầu cử Quốc gia, UB Bầu cử các địa phương và không có trường hợp nào khiếu nại về kết quả giải quyết. Đến nay Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng không nhận được khiếu nại nào về việc không đồng ý với giải quyết ở địa phương. Cho nên có thể khẳng định, người khiếu tố đã đồng ý với kết luận giải quyết tại địa phương. Những đơn thư sau ngày 12/5 đã tạm ngừng giải quyết nhưng các cơ quan vẫn tiếp nhận để giải quyết tiếp sau ngày bầu cử” – ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.
3 vòng “thẩm tra” tư cách đại biểu Quốc hội
Về thời gian bỏ phiếu quy định, trong ngày hôm nay, tất cả các hòm phiếu trên toàn quốc sẽ đồng loạt mở vào 7h sáng và đóng hòm phiếu vào 7h tối. 69 triệu cử tri cả nước có 12 tiếng đồng hồ để thực hiện quyền công dân cơ bản nhất của mình. Sau thời điểm đóng hòm phiếu, các tổ bầu cử sẽ tiến hành kiểm phiếu tại chỗ.
Đại diện cử tri, phóng viên do cơ quan thông tấn báo chí cử đi làm được chứng kiến, giám sát quá trình kiểm phiếu. Đây là quy trình mới, lần đầu được áp dụng tại cuộc bầu cử lần này.
Sau khi kiểm phiếu xong, Uỷ ban Bầu cử các cấp lập biên bản về kết quả kiểm phiếu, Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận biên bản xác nhận kết quả từ Ủy ban Bầu cử của địa phương gửi lên, tập hợp lại để lên danh sách những người trúng cử. Chậm nhất sau 20 ngày sau ngày bỏ phiếu, kết quả cùng danh sách các đại biểu Quốc hội khoá XIV sẽ được công bố.
Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia giải thích, 20 ngày là khoảng thời gian để Hội đồng Bầu cử có điều kiện xem xét các khiếu nại tố cáo. Một người đã trúng cử đại biểu Quốc hội cũng sẽ tiếp tục xem có bị khiếu nại, tố cáo không, nếu nội dung khiếu tố đúng thì phải xử lý. Việc này sẽ do Hội đồng Bầu cử đánh giá từng trường hợp.
Chưa hết, những người trúng cử còn phải vượt qua vòng thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội. Sau thời điểm công bố danh sách những người trúng cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng có thêm 30 ngày nữa để tiếp tục xem xét các vấn đề, dư luận, thông tin về người trúng cử. Khoảng thời gian này cũng là để cử tri nắm được thông tin về người được bầu, có thể tiếp tục phát hiện, chỉ ra trường hợp này, trường hợp kia không xứng đáng làm người đại diện cao nhất của nhân dân.
“Trong vòng 30 ngày cho đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV (dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 tới đây – PV), những vấn đề về người trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ được xem xét, giải quyết. Sau quy trình đó, Quốc hội khoá mới sẽ công bố xác nhận tư cách đại biểu” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
P.Thảo