Phó Bí thư huyện bị tố "gợi ý" bầu 2 ứng viên đại biểu Quốc hội
(Dân trí) - Đó là nội dung khiếu nại của ông Trần Khắc Tâm - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII tỉnh Sóc Trăng - vừa gửi tới Hội đồng Bầu cử Quốc gia xung quanh việc Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã "định hướng" bầu 2/5 ứng viên đại biểu Quốc hội trước ngày tổng tuyển cử.
Nội dung đơn cho biết, sau khi có kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 22/5 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Tâm có nghe được dư luận tại một số cấp ủy đảng, chính quyền tại huyện Cù Lao Dung phản ánh việc trước khi tiến hành bầu cử, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung - ông Võ Thanh Quang đã triệu tập cuộc họp, chỉ đạo lãnh đạo các xã thuộc huyện này định hướng để cử tri bầu cho một số người ứng cử và gạch tên những người khác.
Ngày 31/5, ông Tâm đã xin gặp Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể để phản ánh thông tin trên và sau đó có đơn thư gửi cơ quan chức năng.
Ngày 7/6, Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng đã phải có văn bản gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo sự việc. Trong đó xác nhận: Chiều ngày 17/5, Huyện ủy Cù Lao Dung có cuộc họp do Bí thư Huyện ủy Võ Thanh Quang chủ trì để bàn và trao đổi một số vấn đề, trong đó có trao đổi về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu. Tại đó, ông Thái Văn Thu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cù Lao Dung đã phân tích về 5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội xung quanh trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Thu “nhấn mạnh, theo ý kiến cá nhân của đồng chí, đại biểu H.T.C.Đ và đại biểu P.T.N có điều kiện hoạt động tốt hơn khi trúng cử”.
“Tuy nhiên, khi kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Huyện ủy (ông Võ Thanh Quang - PV) không chấn chỉnh ý kiến phát biểu của đồng chí Thái Văn Thu. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức bầu cử cần tạo điều kiện để cử tri tự xem xét, cân nhắc bầu chọn trên tinh thần dân chủ, khách quan và chú ý hướng dẫn cử tri bầu đúng yêu cầu cơ cấu, đủ số lượng đại biểu Quốc hội được ấn định; chỉ đạo Ủy ban bầu cử huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời chấn chỉnh ứng cử viên có biểu hiện tiếp xúc cử tri không đúng pháp luật; nhắc nhở, tránh các hành vi làm ảnh hưởng đến tư tưởng của cử tri, bảo đảm dân chủ trong bầu cử. Yêu cầu các đồng chí dự họp nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ đạo của cấp trên về công tác bầu cử”- văn bản của Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng nêu rõ.
Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau khi nắm được thông tin sự việc, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đã phân công một Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy đột xuất để kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu tổ chức bầu cử đúng luật.
Chưa đồng ý với nội dung công văn của Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Khắc Tâm cho rằng, việc vận động định hướng, chỉ đạo bầu cho hai ứng cử viên được triển khai trong cuộc họp Ban Chấp hành Huyện ủy mở rộng có nhiều đối tượng tham dự ngoài các Huyện ủy viên, nhưng việc chấn chỉnh chỉ triển khai trong Ban Thường vụ Huyện ủy.
Ông Tâm cho rằng chính việc “gợi ý” của lãnh đạo huyện Cù Lao Dung đã khiến số phiếu tín nhiệm của ông tại huyện này thấp bất thường so với hai huyện còn lại (huyện Kế Sách 47,54%; huyện Long Phú 61,2%; huyện Cù Lao Dung 18,85% - nguồn do Ủy ban bầu cử tỉnh cung cấp).
Chiều 4/7, trả lời PV Dân trí, một lãnh đạo Tiểu ban Nhân sự và Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận đã nắm được sự việc và cử một đoàn công tác vào tỉnh Sóc Trăng để làm rõ khiếu nại của ông Trần Khắc Tâm.
Được biết, sau cuộc bầu cử ngày 22/5, tỉnh Sóc Trăng chỉ bầu được 6/7 đại biểu Quốc hội, thiếu một đại biểu so với con số được ấn định.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thế Kha