28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016):
28 năm, mẹ già ngày nào cũng ngóng về biển cả
(Dân trí) - Đã 28 năm trôi qua, sáng sáng, hình ảnh người mẹ già cứ đứng dựa mình bên hiên nhà, đôi mắt ngấn lệ hướng về phía biển cả, nơi đứa con trai đầu lòng ngã xuống trong trận chiến không cân sức với Hải quân Trung Quốc ở Gạc Ma ngày 14/3/1988, để giữ chủ quyền của Tổ quốc.
Mẹ là Hồ Thị Đức (79 tuổi), mẹ của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), liệt sỹ Trần Văn Phương, quê ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
“Bảo vệ Tổ quốc, dù có phải hy sinh con cũng không sợ”
Một ngày đầu tháng 3, nhớ về sự kiện lịch sử - trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 khiến 64 chiến sỹ hải quân hy sinh, chúng tôi về với vùng đất anh hùng nằm bên dòng sông Gianh, nơi sinh ra người con cách mạng Trần Văn Phương.
Bên hiên căn nhà cấp 4 nằm sâu trong tổ dân phố Đơn Sa, trước mắt chúng tôi là hình ảnh người mẹ già, khuôn mắt phúc hậu ngồi bần thần, mắt ngấn lệ đang nhìn về phía biển cả. Nghe tiếng khách lạ, mẹ Đức hỏi: “Đồng đội thằng Phương phải không con?”.
Mẹ Đức nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến rồi mời khách vào tiếp nước trong căn phòng nhỏ, nơi thờ tự Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Trần Văn Phương. Thắp nén nhang cho con, mẹ Đức sụt sùi kể: “Hôm nớ, tui đang nằm, không biết răng mà ruột gan nó cứ nôn nao, vừa bật dậy thì có người đến nói là có thư của thằng Phương gửi về. Đọc xong thư, cả nhà như chết lặng”.
Trong thư Thiếu úy Phương viết tại Cam Ranh đề ngày 8/3/1988 gửi về cho gia đình có đoạn: “… Tình hình ngoài này hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo… Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ…”.
Mẹ Đức khóc nức nở nói tiếp, nó còn viết như thế này nữa nên cả gia đình mới lo: “… Trước lúc ra đi con chỉ dặn ba má như thế này. Khi ba má nhận được bức thư này thì ba má không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và ba má cũng đừng trông thư con nữa…”.
Không ngờ đó lại là bức thư cuối cùng của Thiếu úy Phương gửi về cho gia đình. “Lúc nhận thư này, tui đã có linh cảm chẳng lành, bởi thông thường sau khi gửi khoảng 7 ngày gia đình mới nhận được thư, nhưng lá thư này chỉ mới 3 ngày đã nhận được. Ai ngờ…”, mẹ Đức nước mắt lưng tròng nhìn lên di ảnh con.
Cố nén nỗi đau thương, mẹ Đức kể tiếp, anh Phương là con trai đầu lòng, sau còn có 3 người em. Từ nhỏ Phương đã rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, luôn đùm bọc, đỡ đần các em và đặc biệt là rất thương yêu, nghe lời ba má. Hầu như mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều đến tay Phương.
Học xong lớp 10, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Trần Văn Phương lên đường nhập ngũ, sau đó được cử đi học và đến đầu tháng 3 năm 1988, anh được trên bổ nhiệm Phó Chỉ huy Trưởng đảo Gạc Ma. “Tết năm 1988, nó về ăn tết với gia đình đến mồng 10 tháng giêng thì lên đường trở lại đơn vị. Lúc đi nó cứ dặn đi dặn lại với tui là ba má ở nhà nhớ cắt tóc (thân cây lúa) phơi khô, ra chuyến này đến kỳ nghỉ phép con về tranh thủ kẹp tranh để sửa lại mái nhà cho ba má kẻo ở như rứa mưa dột tội lắm. Ai ngờ dự định chưa thành thì nó đã hy sinh”, mẹ Đức kể, nước mắt chảy ròng.
Con gái tiếp bước người cha anh hùng
Anh Phương ra Trường Sa rồi hy sinh tại Gạc Ma mà vẫn không biết người con đầu lòng của mình đang thành hình trong bụng vợ. Đến cuối năm 1988, chị Mai Thị Hoa (vợ anh Phương) sinh ra một cô con gái, đặt tên là Trần Thị Thủy.
Thủy rất chăm chỉ học hành và trong đầu em luôn nung nấu ý nghĩ ra Trường Sa, nơi ba em cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học, Trường Đại học Quảng Bình, chị Thủy đã viết đơn tình nguyện công tác tại Trường Sa.
Và ước mơ ấy đã sớm trở thành hiện thực với chị. Hiện chị Trần Thị Thủy là Thiếu úy Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân. Chồng chị, anh Nguyễn Hồ Hải cũng là sỹ quan hải quân. Con gái đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ được đặt tên là Nguyễn Trần Navy (Navy tiếng Anh là Hải quân).
Ngày 14/3 lịch sử đang đến cận kề, mẹ Đức trải lòng: “Mẹ có 4 người con thì cả 4 đều là lính hải quân, giờ cháu chắt nhiều đứa cũng theo nghiệp ba mẹ nữa nên tui hạnh phúc và tự hào lắm! Tui tự hào bởi đã có những người con nguyện chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc”. Nói rồi mẹ lại ngoảnh mặt nhìn ra phía biển, nước mắt tuôn rơi, như 28 năm nay mẹ vẫn làm…
Anh hùng Gạc Ma – Trường Sa
Một năm sau trận chiến ngày 14/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho:
1. Anh hùng Vũ Huy Lễ (sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, TP Hải Phòng. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là Thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ 505, Lữ đoàn 125 Hải quân.
2. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (sinh năm 1966, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là Trung sỹ, Tiểu đội trưởng công binh thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 887, trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân).
3. Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Khi hy sinh anh là Thiếu úy, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân).
4. Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ (sinh năm 1957, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh anh là Đại úy, thuyền trưởng tàu HQ 604 thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân).
5. Anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông (sinh năm 1944, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khi hy sinh anh là Trung tá, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, vùng 4 thuộc Quân chủng Hải quân, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Đặng Tài