Yêu thương cũng phải theo "khuôn khổ"
(Dân trí) - Nghị định 93/2021 tạo ra một hành lang pháp lý để công tác từ thiện trở nên minh bạch hơn mà không mất đi giá trị tốt đẹp vốn có.
Ngày 11/12 tới, Nghị định 93/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 93) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sẽ chính thức có hiệu lực, bổ sung cho Nghị định 64/2008, vốn đã không phù hợp với thực tế.
Với Nghị định 93, cá nhân sẽ được phép kêu gọi từ thiện dù rằng trên thực tế, hoạt động từ thiện đã "nở rộ" trong thời gian qua.
Theo quy định mới, cá nhân được kêu gọi từ thiện nếu có đủ năng lực hành vi dân sự, đồng thời phải cam kết thời gian giải ngân từ thiện. Cá nhân làm từ thiện phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú, mở tài khoản riêng để tiếp nhận tiền từ thiện và thông báo với chính quyền nơi đến từ thiện, đặc biệt phải ghi chép đầy đủ thông tin về việc phân phối tiền từ thiện... Ngoài ra, Nghị định 93 cũng có những quy định cụ thể khác nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động vận động và giải ngân khoản hỗ trợ.
Với truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc và chia sẻ, mỗi khi có thiên tai, lũ lụt... người Việt Nam trong và ngoài nước đã đồng lòng, chung sức giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn. Trên thực tế, nhiều chương trình thiện nguyện của các cá nhân cùng hoạt động hỗ trợ của các cấp, ngành, các địa phương đã kịp thời đến với bà con vùng khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống trước mắt.
Đặc biệt, lâu nay hoạt động này đã huy động được một nguồn lực không nhỏ, qua đó giúp người dân giảm bớt khó khăn trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn eo hẹp.
Tuy nhiên, các nhóm thiện nguyện "mọc như nấm sau mưa", hoạt động từ thiện vô tình trở thành "miếng mồi" béo bở cho những kẻ có dã tâm, muốn trục lợi từ lòng thương người và sự sẻ chia đồng loại. Cũng bởi "từ thiện" theo cảm tính, dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau mà thời gian vừa qua vấn đề "sao kê", "minh bạch" trở thành cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội, tốn không ít giấy mực của báo chí, buộc Bộ Công an phải vào cuộc xác minh.
Những kết quả báo cáo ban đầu của các địa phương về hoạt động từ thiện liên quan đến một số cá nhân đã bộc lộ nhiều bất cập trong vấn đề vận động, giải ngân số tiền hỗ trợ cũng như thời gian thực hiện các hoạt động hỗ trợ. Một số vụ việc đúng, sai hiện đang chờ kết luận của cơ quan chức năng nhưng rõ ràng những lùm xùm này đã tác động tiêu cực đến lòng tin của người dân đối với hoạt động này.
Bởi vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 93 quy định cụ thể về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là cần thiết và kịp thời.
Nghị định 93 không chỉ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện của các cá nhân mà sẽ góp phần chấn chỉnh những "lùm xùm" liên quan đến hoạt động thiện nguyện trong thời gian vừa qua.
Cần phải khẳng định rằng, những quy định mới này hoàn toàn không gây khó cho hoạt động từ thiện mà đảm bảo sự quyên góp, hỗ trợ thực sự phát huy đúng và đủ như mục tiêu tốt đẹp vốn có của nó.
Yêu thương và chia sẻ là không có giới hạn và truyền thống tốt đẹp này cần tiếp tục được phát huy, nhất là đối với đất nước hàng năm vẫn thường phải hứng chịu sự tàn phá của thiên tai, dịch bệnh.
Sự rõ ràng, minh bạch và kịp thời trong hoạt động từ thiện sẽ là lực hút để cá nhân và cộng đồng cùng chính quyền địa phương, các cấp, các ngành chăm lo tốt hơn nữa cho người dân vùng khó và những số phận kém may mắn trong cuộc sống.