Xử tham nhũng thật nghiêm là cách ổn định chính trị tốt nhất

(Dân trí) - Vụ tham nhũng tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Giang đã được xử lý như đùa cợt với pháp luật và trêu ngươi dân chúng.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo điều tra của cơ quan chức năng, trong 2 năm (2012 – 2013), ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo cho 2 nhân viên là kế toán và thủ quỹ của trung tâm để biển thủ số tiền gần 182 triệu đồng.

Những người này nhẫn tâm ăn bớt tiền cứu trợ trẻ em tàn tật. Xét cả về pháp lý và đạo lý đều đáng bị xử lý thật nghiêm.

Trong khi Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra vụ tham nhũng này, Sở LĐ-TB&XH Hà Giang có công văn gửi Công an Hà Giang, VKSND tỉnh Hà Giang với nội dung đề nghị không khởi tố 3 đối tượng này mà chuyển hồ sơ về Sở LĐ-TB&XH để xử lý. Ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang nêu lý do: "Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ cho nữa... Để góp phần ổn định chính trị tại địa phương, Sở đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không khởi tố hình sự các đối tượng nói trên".

Và quả thật Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an tỉnh Hà Giang đã không khởi tố vụ án tham nhũng này.

Nói thẳng băng cho nó nhanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang đã bao che cho thuộc cấp. Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an tỉnh Hà Giang đã bỏ lọt tội phạm.

Đúng luật, hành vi tham nhũng của giám đốc  và hai nhân viên của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật phải được điều tra, khởi tố hình sự. Không ai được quyền can thiệp và không ai được dùng quyền của mình để bỏ sót. Không khởi tố vụ án cũng là một sự lạm quyền.

Đúng ra, ông giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang không được quyền can thiệp vào hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.

Đúng ra, Công an và Viện kiểm sát tỉnh Hà Giang không bị chi phối bởi công văn xin tội của ông giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang.

Nhưng pháp luật đã rối tung lên khi một ông giám đốc sở có quyền xin tội cho thuộc cấp. Rối tung lên khi cơ quan tố tụng không độc lập để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà vì những lý do rất phi pháp luật.

Lý do đó là “để góp phần ổn định chính trị tại địa phương”.

Người ta đã lạm dụng các từ “ổn đinh chính trị” để bỏ lọt tội phạm thì đó là sự bất ổn chính trị nhất.

Nếu tất cả các vụ án tham nhũng đều lấy lý do “ổn định chính trị” mà bỏ qua thì nền chính trị của đất nước này có còn nữa hay không?

Phải hiểu rằng, xét xử tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn một cách nhiêm minh thì đó là cách để “ổn định chính trị” và làm an lòng dân nhất trong lúc này.

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!