Lao đao, "ốm đòn" vì giá xăng dầu cao kỷ lục

Hoàng Dung

(Dân trí) - Giá xăng dầu tăng cao khiến doanh nghiệp kêu than. Để cắt giảm chi phí, không ít doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân viên và hoạt động cầm chừng.

Doanh nghiệp "ốm đòn" với giá xăng dầu

Nhiều doanh nghiệp đang kêu "ốm đòn" vì giá xăng dầu tăng cao, buộc phải đưa ra những quyết định sống còn để tự cứu lấy mình. Điển hình, doanh nghiệp sản xuất máy tuốt lúa Tân Việt (Nam Định) phải liên tục cân đối và cân nhắc các hạng mục đầu tư khi giá nguyên liệu đầu vào, cước phí vận chuyển tăng chóng mặt.

Chị Đinh Ly, đại diện công ty cho biết, giá cước vận tải biển từ trước Tết Nguyên đán đã ở mức cao so với nhiều năm. Với tình hình hiện nay, giá xăng dầu tăng sẽ khiến các chi phí tăng thêm và đẩy doanh nghiệp vào tình huống khó. "Trước Tết Nguyên đán, giá cước vận tải biển tăng, các đại lý của công ty tôi ở nước ngoài đã kêu. Bây giờ, giá xăng dầu tăng, tôi không biết họ sẽ quyết định ra sao vì tiền vận chuyển nhiều khi còn hơn cả tiền sản phẩm", chị nói.

Theo chị Ly, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có mối làm ăn ở nước ngoài, do phần lớn các đơn hàng được đặt theo quý hoặc theo năm nên các kỳ điều chỉnh giá đều phải lên kế hoạch và báo trước.

"Giá xăng tăng khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá máy tăng. Thông thường thì 1 - 2 năm chúng tôi mới điều chỉnh giá máy một lần. Còn bây giờ, chúng tôi cũng không biết tính thế nào để vẹn cả đôi đường cho cả doanh nghiệp và khách hàng", chị tâm sự.

Lao đao, ốm đòn vì giá xăng dầu cao kỷ lục - 1

Doanh nghiệp than khổ vì giá xăng, dầu (Ảnh: H.D).

Đồng quan điểm, anh Khúc Ngọc Duy, quản lý một hãng xe khách cho biết, dù giá xăng dầu tăng được vài ngày nhưng hãng xe của anh vẫn giữ nguyên giá vé, cước vận chuyển cho hành khách. Điều đó đồng nghĩa hãng phải bỏ ra một số tiền lớn để bù lỗ.

"Có những trường hợp, nhà xe không thể tăng giá vé được. Ví dụ, khách đặt hợp đồng từ tháng 11 năm ngoái thì nhà xe không tăng giá cước. Chúng tôi chấp nhận gánh lỗ để giữ uy tín. Vì trước khi làm hợp đồng, chúng tôi đã tính đến trường hợp giá xăng tăng nhưng không nghĩ sẽ… tăng cao thế này", anh nói.

Hiện tại, hãng xe của anh chỉ có 6 xe chạy chuyên tuyến Hà Nội - Sa Pa, Hà Nội - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng trên tổng 16 xe. Trong khi đó, tiền lương nhân viên, chi phí kho bãi, vận hành vẫn phải chi trả.

Tự bơi, tự sống còn

Để nuôi sống doanh nghiệp, anh Duy đã nghĩ ra mọi cách để kiếm tiền. Đầu tiên, anh thực hiện chiến lược thu gọn, tinh giản bộ máy điều hành. Tiếp đó, doanh nghiệp tăng cường nhận vận chuyển hàng hóa thay vì chỉ chuyên chở khách như trước kia. Với cách làm này, doanh nghiệp của anh đã may mắn sống sót từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

"Đây chỉ là trường hợp bất đắc dĩ, vì sự chuyển đổi trên chỉ mang tính tạm thời, cứu doanh nghiệp không chết. Tuy nhiên, đến năm nay, doanh nghiệp tôi đã bung hết quỹ dự phòng. Số tiền còn lại cũng chỉ dùng trong 1 - 2 tháng. Nếu giá xăng vẫn còn tăng, tôi không dám nói mạnh bất cứ điều gì", anh kể.

Lao đao, ốm đòn vì giá xăng dầu cao kỷ lục - 2

Giá xăng dầu tăng cao là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng tăng giá (Ảnh: M.Q).

Đồng quan điểm, chị Thảo, chủ một hãng xe chuyên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, từ khi giá xăng tăng, chị vẫn giữ nguyên giá vé vì khách đều là người quen, đi xe lâu năm. Cụ thể, giá vé Hà Nội - Sầm Sơn là 180.000 đồng, Hà Nội - Nghi Sơn là 250.000 đồng.

"Nhà tôi có lốt đỗ xe ở bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm nhưng giờ chỉ còn lốt Giáp Bát là hoạt động do doanh nghiệp không đủ chi phí vận hành và lượng khách đi xe. Hơn nữa, tiền xăng dầu đang cao ngất ngưởng mà khách thì lèo tèo. Thế nên, chúng tôi dự định sẽ đắp chiếu các tuyến đường dài cho đến khi mọi thứ khả quan hơn", chị tâm sự.

Trong đó, nhiều xe đường dài không chạy, chị Thảo đã mạnh dạn chuyển thành xe hợp đồng, xe cho thuê vào các dịp lễ, cưới hỏi để giúp doanh nghiệp sống sót qua thời kỳ dịch bệnh và thời kỳ giá xăng dầu tăng cao.

Còn với Tân Việt, đơn vị này cho biết cũng thực hiện cơ cấu lại các bộ phận nhân sự theo hướng tinh gọn mà hiệu quả. Để tối ưu hóa chi phí sản xuất, doanh nghiệp còn thường xuyên kiểm kê nhằm tránh sản xuất lãng phí nguyên liệu và xây dựng những hạng mục kinh doanh mới, nhằm đảm bảo nguồn thu linh động.