Giá xăng "gánh còng lưng" các loại thuế, phí ra sao?
(Dân trí) - Tổng chi cho các khoản thuế, phí đã lên tới 11.168 đồng/lít, chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95. Doanh nghiệp than càng bán càng lỗ, mỗi lít xăng phải bù 600-700 đồng.
Ngày 11/2, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng lên 24.571 đồng/lít, xăng RON 95 lên 25.322 đồng/lít, cao nhất trong vòng 8 năm. So với mức đỉnh lịch sử, giá này hiện chỉ còn kém 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và kém 818 đồng/lít đối với xăng RON 95 (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).
Đại diện Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân giá xăng tăng là giá các sản phẩm xăng dầu trên thế giới dùng để tính giá cơ sở xăng dầu trong nước thời gian qua biến động mạnh. Trong khi đó, nguồn cung trong nước lại gặp trục trặc. Thực tế, việc các loại thuế phí chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu cũng là yếu tố rất quan trọng khiến giá xăng trong nước "nóng rẫy".
Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá gần nhất là 104,6 USD/thùng xăng RON 95 (tương đương 2.374.420 đồng/thùng). Mà một thùng xăng chứa 158,97 lít, nên giá 1 lít xăng RON 95 tại cảng có giá khoảng 14.936 đồng.
Áp dụng công thức tính giá cơ sở, giá xăng RON 95 lúc này phải cộng thêm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.493 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.493 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.532 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Tổng chi cho 4 sắc thuế là 9.518 đồng/lít, tức chiếm 38% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95 (giá 25.322 đồng/lít).
Ngoài ra, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như vậy, tổng chi cho các khoản thuế, phí đã lên tới 11.168 đồng/lít, chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95. Còn giá sau khi cộng thuế phí mà chưa tính lợi nhuận của doanh nghiệp đã là 26.104 đồng/lít, tức doanh nghiệp đang kinh doanh dưới giá vốn, càng bán càng lỗ.
Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Văn Tiu - Giám đốc Công ty Cổ phần Xăng dầu Tự lực 1 - cho biết mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp đang lỗ 600-700 đồng. Trung bình một cửa hàng bán được 600 khối thì một tháng mất 400 triệu đồng.
Một giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn khác trên thị trường Hà Nội thì thông tin các cửa hàng bán lẻ phải chấp nhận "giá nhập bằng giá bán" vì thương nhân đầu mối lỗ nên không thể chiết khấu được cho cửa hàng bán lẻ. Vị này tính toán trung bình một cửa hàng có sản lượng bán ra đạt trên 100 khối/tháng thì cần có chênh lệch hoa hồng là 500 đồng/lít, còn muốn lãi thì 1.000 đồng/lít.
Về việc "hạ nhiệt" giá xăng, tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu 10 giải pháp nhằm ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Trong đó đáng chú ý, Bộ đề nghị Bộ Tài chính (cụ thể là Cục Quản lý giá) rà soát và tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thời giá hiện hành và thực tế chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu hiện nay nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bộ cũng đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Công Thương linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới; khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau để kịp thời bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng Bộ Tài chính cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả.