Vụ bà Phương Hằng và "thói chơi dao" trên mạng xã hội
(Dân trí) - Mạng xã hội không đơn thuần là một "nhật ký" cá nhân mà nhiều khi đã trở thành công cụ kiếm tiền và là "vũ khí" tấn công người khác trên không gian này...
Ngày 24/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng , tức bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền (SN 1971) để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Ngay lập tức, thông tin đã thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi trong suốt một năm vừa qua, người phụ nữ này đã trở thành tiêu điểm của "chợ mạng" với những phát ngôn và chương trình livestream "bóc phốt" người nổi tiếng và hoạt động từ thiện của nhiều nghệ sĩ. Người ta biết và nhớ đến bà với những thị phi trên mạng xã hội hơn là chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - một doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực và có doanh thu "khủng" tại Bình Dương.
Công bằng mà nói, sau những lùm xùm xung quanh tố cáo của bà Phương Hằng đối với một số nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, hoạt động từ thiện đã được siết chặt và công khai, minh bạch hơn khi Nghị định số 93/2021/NĐ-CP được ban hành. Tuy nhiên, những phát ngôn có phần "ngông" của bà Nguyễn Phương Hằng trên không gian mạng sau đó đã khiến người phụ nữ này liên tiếp dính vào các vụ kiện tụng với những cá nhân được "điểm mặt, chỉ tên". Việc bị khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Phương Hằng đã được báo trước và không có gì là bất ngờ, bởi đây là hệ quả tất yếu của việc xem thường pháp luật, xâm phạm, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
Tính tới tháng 6/2021, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người (tương đương 73,7% dân số), tăng gần 10 triệu người chỉ trong vòng một năm. Người viết xin phép dẫn lại số liệu thống kê trên của Digital - một công ty chuyên về các dịch vụ trên di động, các sản phẩm và dịch vụ số để thấy sự quan tâm đặc biệt và mức độ bao phủ của mạng xã hội đối với đời sống của bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam hiện nay.
Mạng xã hội như Zalo, Facebook... không đơn thuần là một "nhật ký" cá nhân mà nhiều khi đã trở thành công cụ kiếm tiền và là "vũ khí" để nhiều người tấn công người khác trên không gian mạng. Thậm chí người dùng Facebook bị bội thực bởi những vụ mạt sát, hạ bệ lẫn nhau bằng ngôn từ tục tĩu, lôi kéo cả nghìn người tham gia với nhiều chương trình được phát sóng trực tiếp kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
Có thể thấy rằng mức độ "sát thương" qua mạng xã hội không thua kém bất cứ phương thức tấn công trực tiếp nào. Với lợi thế là khả năng lan tỏa nhanh và rộng, một dòng trạng thái, một buổi livestream chĩa mũi nhọn vào một ai đó có thể thu hút cả trăm ngàn người tham gia bình luận, chia sẻ, "góp miệng" tấn công nạn nhân. Từ những tranh cãi trên mạng xã hội đã biến thành xung đột ngoài đời thực, nhẹ thì mẻ trán, bầm mặt, nặng thì liên đới tới pháp luật.
Với việc ban hành và chính thức thi hành Luật An ninh mạng từ 1/1/2019, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm "siết" quản lý, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Trên thực tế, nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trong đó có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tinh thần cá nhân đã bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự, tuy nhiên dường như nó vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa, bởi thực tế "chợ mạng" vẫn hết sức sôi động.
Môi trường mạng là không gian "ảo" nhưng phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo, bởi đằng sau đó là những con người thật và hệ lụy của nó đối với đời sống xã hội và các cá nhân liên quan là thật. Tất nhiên hậu quả đối với những người sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân cũng rất thật.
Luật đã quy định rõ ràng, không ai có quyền đứng trên pháp luật. Không gian mạng không phải là cái chợ để ai muốn nói gì thì nói.