1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do Covid-19

Q.Huy

(Dân trí) - Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, 2 năm qua, kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19, tăng trưởng dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây.

Chiều 5/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022. Buổi tọa đàm cấp cao có nội dung chính xoay quanh chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".

Kinh tế Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do Covid-19 - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 (Ảnh: Hữu Khoa).

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay có nhiều điểm đặc biệt. Trong đó, có việc được tổ chức tại TPHCM, đô thị đặc biệt, một cực tăng trưởng và đóng vai trò đầu tàu kinh tế.

"Bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn", Trưởng ban Kinh tế Trung ương mở đầu phiên toàn thể.

Nền kinh tế sau 35 năm đổi mới

Ông Trần Tuấn Anh điểm lại sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, quy mô kinh tế Việt Nam tăng 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% vào năm 1993 đã giảm xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 theo chuẩn mới.

"Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu rõ.

Kinh tế Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do Covid-19 - 2

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, phát biểu khai mạc phiên tọa đàm cấp cao (Ảnh: Hữu Khoa).

Tuy nhiên, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế nước ta còn yếu khi gặp cú sốc hoặc tác động từ bên ngoài. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn.

"Kết quả phân tích cấu trúc liên ngành I-O (điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành - PV) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu. Trong những năm qua, dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp", ông Trần Tuấn Anh nhận định.

Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường, cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc. Những bất cập trên đã khiến tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, biên độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm, thu nhập bình quân đầu người gia tăng với tốc độ chậm và vẫn nằm ở mức thấp, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Kinh tế Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do Covid-19 - 3

Phiên tọa đàm cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Ảnh: Hữu Khoa).

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng thông tin, trong 2 năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây, hàng triệu người lao động bị mất việc làm, hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch...

Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, tác động của đại dịch vừa qua cùng sự xuất hiện nhiều biến cố trên thế giới đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Cơ hội của TPHCM 

Phát biểu tại phiên tọa đàm cấp cao, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4, thành phố trở thành địa phương có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng, có thời gian giãn cách xã hội dài nhất. Trong bối cảnh đó, thành phố có thời điểm bị gián đoạn mọi hoạt động kinh tế - xã hội, động lực tăng trưởng bị kéo lùi, sức khỏe, sinh kế, đời sống tinh thần của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, TPHCM đã xây dựng, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025. Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 rất phù hợp với chương trình và phù hợp với thực tiễn của TPHCM.

"Việc diễn đàn được tổ chức tại TPHCM sẽ là dịp để các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp trong, ngoài nước hiểu sâu hơn, cùng sẻ chia những thiệt hại, tổn thất nặng nề của địa phương này. Đồng thời, các đại biểu có thể trực tiếp chứng kiến những nỗ lực mà cả hệ thống chính trị cùng người dân đang thực hiện để sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Kinh tế Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do Covid-19 - 4

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng khẳng định, trong những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao. Đây là định hướng chính nhằm chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác.

"Thành phố cũng nhận thức, để thu hút FDI hiệu quả cần nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Đây là một quá trình dài, cần sự hỗ trợ của nhiều chính sách chung về vĩ mô. Những đóng góp của diễn đàn lần này sẽ là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đó", ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Sáng cùng ngày, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 đã tổ chức thành công 3 hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, gồm: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm