1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng: Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng

Q.Huy

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng, mà kiên định với mục tiêu mở cửa, hội nhập sâu, rộng, tích cực, hiệu quả.

Chiều 5/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022. Sau một ngày làm việc, sự kiện đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Trung ương cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong bài phát biểu kéo dài hơn một giờ, người đứng đầu Chính phủ đã nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới, cũng là chủ đề trọng tâm của diễn đàn năm nay. Đây cũng là chủ đề do chính Thủ tướng lựa chọn cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022.

Thủ tướng: Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng - 1

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng (Ảnh: Hữu Khoa).

"Nền kinh tế của chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức lớn như đợt khủng hoảng năm 1997, 2007, 2008. Đặc biệt trong đại dịch vừa qua, chúng ta giữ vững sự ổn định trong khi tình hình thế giới là bất ổn và nhiều khó khăn. Điều đó mang lại sự tự tin để chúng ta tiếp tục phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng cũng phải tích cực hội nhập", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Khó khăn lúc nào cũng có

Thủ tướng nêu lại bài học thực tế, thời điểm năm 2019, không ai lường trước được những vấn đề xuất hiện năm 2020. Năm 2020, những vấn đề do dịch Covid-19 gây ra cho năm 2021 cũng là điều không thể lường trước. Và tới năm 2021, những vấn đề về chiến tranh, xung đột giữa các nước trên thế giới, vấn đề khó khăn về đầu vào nguyên liệu, logistic cũng khó có thể nhìn ra trước đó.

"Nói lại điều đó để thấy, chúng ta cần xác định khó khăn lúc nào cũng có. Chúng ta không lo sợ nhưng không chủ quan, không cầu toàn nhưng không liều lĩnh. Cần xác định những khó khăn, thách thức để có sự chuẩn bị về tâm thế, tư tưởng, nguồn lực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng cho rằng, những bị động, lúng túng là điều khó tránh khỏi với đại dịch chưa có tiền lệ, không thể dự báo trước. Trong bối cảnh chưa có vaccine, thuốc điều trị, chưa có cả kinh nghiệm, cả nước buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

Thủ tướng: Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng - 2

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 (Ảnh: Hữu Khoa).

"Khi áp dụng các biện pháp hành chính nhiều tháng, chúng ta cũng nhận ra cứ áp dụng mãi thì không ổn, nên chuyển đổi từ mục tiêu "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc chuyển trạng thái này không đơn giản và không phải cảm hứng, điều này đến từ những cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học và sự đúc kết kinh nghiệm của nhiều nước", Thủ tướng nêu rõ.

Xuyên suốt quãng thời gian phòng, chống dịch, sự hội nhập của nước ta thể hiện ở việc Việt Nam đã tiếp thu những bài học trên thế giới, tiến hành công tác ngoại giao vaccine, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với các nước. Thủ tướng khẳng định, trong quãng thời gian ấy, không quốc gia nào có thể tự lo cho chính mình mà phải có cộng đồng, cần hội nhập, đề cao chủ nghĩa đa phương để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

"Qua diễn đàn hôm nay, Việt Nam khẳng định một chủ trương nhất quán là không lựa chọn nền kinh tế đóng, mà kiên định với mục tiêu mở cửa, hội nhập sâu, rộng, tích cực, hiệu quả. Chúng ta không theo đuổi mục tiêu phát triển một nền kinh tế tự cung tự cấp, điều này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện tại", Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định.

Làm sao để vừa tự chủ vừa hội nhập?

"Sau 35 năm đổi mới, vượt qua nhiều khó khăn, tình hình thế giới và khu vực hiện nay yêu cầu chúng ta hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhưng không có nghĩa là biệt lập. Chúng ta cần hội nhập với tâm thế chủ động, tích cực. Theo ý một chuyên gia nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Năm 2022, chúng ta góp phần làm chủ cuộc chơi này", Thủ tướng dẫn ví dụ.

Đồng thời, sự phát triển của đất nước luôn lấy người dân làm chủ thể, tham gia mọi vấn đề về chính sách tác động trực tiếp đến họ. Từ đường lối đúng đắn trên, nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống kinh tế - xã hội của người dân được nâng cao từng năm.

Thủ tướng: Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng - 3

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 đã bế mạc sau một ngày làm việc (Ảnh: Hữu Khoa).

Bên cạnh những kết quả khả quan, Thủ tướng cũng chỉ rõ, nền kinh tế của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trong thời gian qua, Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, xuất khẩu đạt giá trị cao nhưng còn phụ thuộc một số thị trường, nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc các nước, chưa tự chủ được một số mặt hàng, chưa có nền công nghiệp nền tảng.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngoài ra, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân cần được bảo vệ.

Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cần được chú trọng. Cơ quan quản lý cần phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. 

"Hội thảo chuyên đề của diễn đàn đã tập trung đánh giá thực trạng, tồn tại của thị trường vốn, thị trường bất động sản. Vừa qua, chúng ta đã làm lành mạnh hóa các thị trường một cách công khai, minh bạch để phát triển ổn định. Khi có những điều chỉnh, khó khăn, biến động là không thể tránh khỏi, điều cần thiết là bình tĩnh, tự tin ứng phó bằng các công cụ sẵn có để đưa thị trường về trạng thái ổn định", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược để thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, các chính sách pháp luật, cơ chế, chính sách cần được rà soát, hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng và huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm