Vì sao có mối lo “hòa cả làng”?!
(Dân trí) - Cử tri mong mỏi và hi vọng các đại biểu hãy dũng cảm, không nể nang và không vì bất cứ lý do nào khác chi phối lá phiếu của mình. Nếu như có kết quả “hòa cả làng” không thể nói cuộc bỏ phiếu thành công mà thậm chí “sẽ cho kết quả ngược”.
Chỉ còn ít ngày nữa, Kỳ hợp thứ 5 Quốc hội XIII chính thức khai mạc.
Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng với hàng loạt các vấn đề kinh tế xã hội bức xúc như tình trạng thất nghiệp tăng, nhiều doanh nghiệp phá sản, mức độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại….
Tuy hầu hết các lĩnh vực xã hội hiện nay đều rất “nóng” nhưng có lẽ “nóng” hơn cả là sự chờ đợi của cử tri vào việc bỏ phiếu các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam làm việc này cùng một lúc với tất cả các chức danh.
Phải khẳng định để đi đến việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này là một bước tiến dài, một “dấu son” dù nó đã phải trải qua một thời gian không ngắn, tới hơn 12 năm và trải qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội (từ Khóa X đến Khóa XIII).
Cuộc hành trình dai dẳng đến mức cách đây gần một năm (10/2012), bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyên Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đã phải kêu lên: “Đó là món nợ với dân suốt 11 năm qua chưa trả. Quốc hội trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn còn nợ lại thì nay phải dứt khoát trả nợ với dân”.
Tuy nhiên trước thềm kỳ họp, trong dư luận đã dấy lên sự lo ngại mang tên “hòa cả làng”.
GS Nguyễn Mình Thuyết - Nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội trả lời báo chí cho biết: “Có nhiều người đã phát biểu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ "hòa cả làng". Tôi nghĩ mối quan ngại ấy là có cơ sở, trước hết bởi có thực tế là trải qua cuộc kiểm điểm này, kiểm điểm khác ở các cấp, người ta thấy kết quả không có gì đáng kể, chủ yếu là "rút kinh nghiệm" một cách nhẹ nhàng. Do đó, người dân nghi ngờ, băn khoăn cũng không có gì đáng ngạc nhiên”.
Đánh giá tương tự, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm UB VH – GD – TTN&NĐ QH khi trả lời báo Dân trí cũng bày tỏ sự lo ngại: “Cách thức lấy phiếu dự kiến hiện nay, như lo ngại của nhiều đại biểu, đôi khi là “xóa nhòa ranh giới”, là “hòa cả làng”…”
Trên báo Việt Nam Nét, Nguyên đại biểu Quốc hội - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước còn lo ngại việc lấy phiếu tín nhiệm thậm chí sẽ gây hậu quả nếu “Người đại biểu Quốc hội vì e ngại những mối quan hệ cấp trên, quan hệ đồng chí thân tình... mà nể nang, xuê xoa, không dám vượt lên chính mình thì việc lấy phiếu tín nhiệm không để làm gì cả”.
Trên báo Lao động ngày 03/5/2013, nguyên Phó ban Tổ chức TW Đảng, ông Nguyễn Đình Hương cảnh báo: “Bỏ phiếu tín nhiệm nếu làm không tốt sẽ cho kết quả ngược”.
Có thể nói, để đi đến được phiên bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hôm nay là cả một con đường dài với không ít gian nan. Giờ đây, cái đích đang nằm ở phía trước. Chỉ cần một nỗ lực nữa thôi là Quốc hội XIII sẽ đi vào lịch sử như một dấu son bởi đã làm được công việc của ba nhiệm kỳ trước để lại.
Tuy nhiên, càng gần đến đích lại càng cần có một quyết tâm cao độ. Nói như Tướng Nguyễn Quốc Thước, “không làm thì cái sai, cái hỏng cứ kéo dài mãi thành hệ thống, đe dọa cả sự tồn vong của chế độ. Đây là cơ hội để thanh lọc bộ máy, đưa bộ máy Nhà nước trở về đúng nghĩa bộ máy phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc”.
Giờ đây, cử tri mong mỏi và hi vọng các đại biểu Quốc hội hãy làm hết sức mình, can đảm, dũng cảm, không nể nang, né tránh và không vì bất cứ lý do nào khác chi phối lá phiếu của mình.
Nói gì thì nói, nếu như cuộc bỏ phiếu lần này có kết quả “hòa cả làng” như lo ngại thì không thể nói là thành công, thậm chí nó “sẽ cho kết quả ngược” như lời cảnh báo của Nguyên Phó ban Tổ chức TW Đảng Nguyễn Đình Hương.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!