Tín nhiệm thấp thì nên từ chức ngay
(Dân trí) - "Nhiều lãnh đạo do không bị bỏ phiếu nên cứ bình chân như vại, chẳng lo sửa chữa sai lầm, khuyết điểm gì cả" - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông nói.
Nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông. |
Sự thận trọng quá mức
Vì sao ông lại cho rằng quy định như trên chưa bảo đảm tính kịp thời trong việc xử lý, thay thế những cán bộ yếu kém?
Cái mà nhân dân mong đợi qua bỏ phiếu này là kịp thời thanh lọc và thay thế ngay những người không đủ trình độ, năng lực, không đáp ứng được nhu cầu, không đạt được tín nhiệm trong QH và cử tri. Tuy nhiên, nghị quyết lại quy định phải hai năm liên tiếp bị tín nhiệm thấp mới bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Trong khi một nhiệm kỳ chỉ có năm năm, năm đầu tiên chưa tiến hành lấy phiếu, đến năm thứ hai mới lấy và nếu tín nhiệm thấp thì phải đợi đến năm thứ ba xem có tiếp tục thấp không.
Như vậy, không khéo đến khi bị đưa ra để xem xét bỏ phiếu tín nhiệm và làm các quy trình bãi miễn thì cũng là lúc người ta chuẩn bị hết nhiệm kỳ và về hưu. Đây là một điều thể hiện sự thận trọng quá mức của QH khi ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm.
Lẽ ra nên quy định ngay trong lần đầu tiên lấy phiếu mà không đạt thì sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định thế mới bảo đảm tính kịp thời trong việc thay thế các cán bộ yếu kém bằng những người có năng lực, trình độ và đạo đức. Đồng thời, tạo ra sự răn đe để những người kế nhiệm làm tốt công việc của mình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tạo sức ép để tự uốn nắn
Nói như vậy, chẳng lẽ quy định này sẽ không phát huy được hiệu quả trong việc giáo dục, răn đe, kịp thời sửa chữa những sai lầm khuyết điểm để điều hành tốt hơn hay sao?
Nếu nói không có hiệu quả là không đúng. Vì dù sao đi nữa “có cũng sẽ hơn không”. Bởi như trước đây chúng ta cũng đã có quy định về bỏ phiếu tín nhiệm nhưng do không cụ thể hóa ra nên bao nhiêu năm liền cứ “treo”, không thực hiện được trường hợp nào cả. Nhiều lãnh đạo do không bị bỏ phiếu nên cứ bình chân như vại, chẳng lo sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm gì cả. Nay quy định trên được thực hiện chắc chắn sẽ tạo ra dư luận, tạo sức ép để uốn nắn những người có liên quan để họ làm việc tốt và hiệu quả hơn để có phiếu tín nhiệm cao. Họ sẽ phải lắng nghe, phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, các nghị quyết mà QH đã đề ra, vì nếu không sẽ bị mất phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ làm cho các đại biểu QH, những người đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri phải lắng nghe, theo dõi sát sao đến những hoạt động của những người nằm trong diện thuộc lấy phiếu. Từ đó giám sát và có những đánh giá một cách khách quan, trung thực chứ không phải là bỏ phiếu cho xong.
Thay ngay nếu tín nhiệm thấp
“Không khéo đến khi bị bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng là lúc chuẩn bị về hưu”, vậy ông có ngại những trường hợp trên sẽ không chịu sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm?
Theo tôi, trường hợp nào đó có số phiếu tín nhiệm quá thấp thì có lẽ không cần phải đợi năm sau lấy tiếp mà chúng ta nên có những hình thức vận động để thay thế ngay. Muốn làm được như vậy thì Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan của Đảng cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, có biện pháp vận động sao cho cán bộ đó làm đơn từ chức ngay. Chứ chúng ta cứ thực hiện theo quy định cứng nhắc mà nghị quyết để cập sẽ không bảo đảm được tính kịp thời mà cử tri và nhân dân mong đợi.
Ngoài ra, đối với những trường hợp mà số phiếu tín nhiệm xấp xỉ khoảng 50% thì phải yêu cầu họ phải cố gắng sửa chữa, khắc phục ngay những sai lầm. Nhưng nếu như qua theo dõi một vài tháng mà thấy họ không sửa chữa khắc phục, lại có biểu hiện “đằng nào mình cũng về hưu, có sai thêm chút nữa cũng chẳng sợ gì” thì phải có biện pháp thay thế ngay chứ không phải đợi lấy phiếu lần sau nữa. Bởi những người này là những cán bộ cấp cao, nếu họ để xảy ra những sai lầm, tiêu cực thì sẽ gây ra hậu quả lớn cho xã hội.
Là người đã từng tham gia hoạt động QH nhiều năm, ông có lo ngại việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm rồi cũng chẳng thay thế, xử lý được ai không?
Quy trình lấy phiếu Theo quy định, 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH; Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước… Trước kỳ họp QH, những trường hợp thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo gửi đến đại biểu QH. Trong báo cáo đó phải đề cập đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; giải trình về ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ chuyển đến (nếu có). Tại kỳ họp QH tới, trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, các đoàn đại biểu QH có thể thảo luận tại tổ về những người được lấy phiếu. Sau đó Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo trước QH một số vấn đề về việc triển khai và tiến hành thảo luận ở từng đoàn. Dự kiến ngày 13-6, lần đầu tiên QH sẽ chính thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu ngay trong ngày. Căn cứ vào đó, Ủy ban Thường vụ QH trình QH thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm để xác nhận kết quả. |
Theo Thành Văn
PLTPHCM