Vì sao chúng ta hết lòng cứu chữa cho phi công người Anh?

(Dân trí) - Nói chính xác, cũng có một vài ý kiến kiểu tại sao chúng ta lại phải tốn kém như vậy đối với một bệnh nhân ngoại quốc chẳng hạn?...

Vì sao chúng ta hết lòng cứu chữa cho phi công người Anh? - 1

50 ngày trọn vẹn không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đã chữa khỏi 302/328 ca bệnh (92,1%), chỉ còn 26 bệnh nhân đang điều trị, đa số đều có sức khoẻ ổn định, trong đó có 13 bệnh nhân đã âm tính từ 1-2 lần với SARS-CoV-2.

Với thêm 3 bệnh nhân dự kiến được công bố khỏi bệnh, Việt Nam chữa khỏi 305/328 ca mắc Covid-19 và chưa có trường hợp nào tử  vong.

Trong số rất nhiều bệnh nhân trọng bệnh đã được chữa khỏi, phải kể đến bệnh nhân phi công người Anh.

Đây là một ca bệnh “thập tử, nhất sinh”, bệnh nhân có nhiều bệnh nền, nhập viện trong thời điểm nguy kịch, diễn biến luôn xấu. Có thời điểm, tỉ lệ phổi hoạt động chỉ còn dưới 10%.

Hiện, bệnh nhân đang có tiến triển rất tốt, tỉ lệ thông khí đạt gần 60%, khả năng phục hồi như “một sự thần kỳ”. Xin chúc mừng và mong ông sớm bình phục hoàn toàn.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Trước đây, phổi bệnh nhân đông đặc đến 90%, nhưng về mặt y văn, đã có nhiều trường hợp vượt ra ngoài đánh giá của y học”.

Đây là thông tin làm nức lòng không chỉ người thân bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, Nhân dân Việt Nam mà còn là sự nể phục của bạn bè quốc tế.

Cũng phải nói thật rằng, không khó để dự đoán việc chữa trị cho bệnh nhân người Anh quá là tốn nhiều tiền của và công sức.

Song, có một niềm hạnh phúc rất lớn là hầu như không ai nói về điều này.

Nói chính xác, cũng có một vài ý kiến kiểu tại sao chúng ta lại phải tốn kém như vậy đối với một bệnh nhân ngoại quốc chẳng hạn?

Đây là những suy nghĩ có thực và cũng là tất yếu bởi trong một xã hội luôn có người nọ, người kia. Vả lại, khi thấy tốn kém quá, người ta hay xót của…

Song, hầu hết người Việt ta không mấy ai đặt ra câu hỏi này. Vì sao vậy?Câu trả lời rất đơn giản.

Đó là bởi truyền thống tương thân, tương ái, "Thương người như thể thương thân", luôn giúp đỡ người khác dù họ là ai, đến từ đâu.

Chỉ có thế thì với bệnh nhân người Anh, khi vấn đề ghép phổi được tính đến, đã có hàng chục người tình nguyện hiến tặng.

Với những thầy thuốc Việt Nam, họ không chỉ mang trong mình truyền thống nhân văn với tinh thần “Còn nước, còn tát” của dân tộc mà hơn thế, họ còn mang trên mình Lời thề Hippocrates.

Hơn nữa, qua trường hợp này ngành y tế Việt Nam cũng thu được nhiều bài học bổ ích trong hồi sức hô hấp cho bệnh nhân cực nặng và phương pháp chăm sóc bệnh nhân Covid rất dài nhưng nhân viên y tế không bị lây nhiễm. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 coi đây như là một biểu tượng trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn vì phải đón người Việt mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương, đón các đoàn ngoại giao, chuyên gia nhập cảnh…

Khó khăn vẫn còn ngổn ngang phía trước khi mà dịch bệnh trên thế giới vẫn đang hoành hành, chưa có thuốc đặc trị cùng với khả năng biến thể rất đa dạng của loại virus này.

Song, nhìn ở tổng thể, chúng ta đang“biến nguy thành cơ” một cách ngoạn mục như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng mong muốn.

Ở trong nước, chúng ta đã tạo được niềm tin tưởng rất lớn từ người dân để từ đó, nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt khó.

Đối với quốc tế, chúng ta đã nâng cao vị thế Việt Nam để từ đó, có được sự ủng hộ về an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.

Trở lại với việc chữa trị cho phi công người Anh, chúng ta đã hành động đúng và cũng xin một lần nữa khẳng định, chúng ta đang “biến nguy thành cơ”!

Bùi Hoàng Tám