Vì sao “bún mắng, cháo chửi” vẫn tồn tại và ngày càng đông khách ở Thủ đô?
(Dân trí) - “Bún mắng, cháo chửi” tuy không phải là đại diện cho cung cách phục vụ ở Hà Nội nhưng tại sao và từ bao giờ hiện tượng này vẫn tồn tại, trở thành nét “văn hóa kinh doanh” xấu xí của một bộ phận hàng quán không nhỏ? Mới đây, một quán bún trên đường Ngô Sỹ Liên lại tiếp tục gây bức xúc dư luận, khi nhân viên xưng hô “mày tao”, tuôn đủ mọi ngôn từ tục tĩu với khách hàng.
Đây không phải là lần đầu, quán ăn này bị phản ánh về thái độ phục vụ thô lỗ, ứng xử thiếu văn hóa. Thậm chí, bà chủ quán bún này cũng đã từng nhiều lần bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, ký cam kết “không văng tục, chửi bậy” với khách hàng. Bất chấp những lên án, chê bai của dư luận, cả bà chủ và nhân viên ở đây vẫn “chửi khách như hát hay”, thậm chí hùng hổ tuyên bố “nếu ai không thích thì đừng vào ăn”.
Điều đáng buồn là phong cách phục vụ thô lỗ như trên không phải là cá biệt. Nhiều người sống ở Thủ đô đã quá quen với câu nói truyền miệng: “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” để chỉ những quán ăn có cách ứng xử thiếu văn hóa.
Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ do Hà Nội bị ảnh hưởng của một thời kỳ bao cấp kéo dài, khi đó hàng hóa khan hiếm, người bán hàng coi người mua “như ban ơn, phát huệ”, lâu dần cung cách phục vụ này ăn sâu và rơi rớt lại cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng. Chính sự dễ dãi, chấp nhận cung cách phục vụ kém như một phần tất yếu của việc được thưởng thức một tô bún, tô phở ngon của nhiều người mới là nguyên nhân khiến cho những quán “bún mắng, cháo chửi” tồn tại và ngày một đông khách.
PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cũng cho rằng: Những người có lòng tự trọng sẽ không chấp nhận bị xúc phạm, sỉ nhục chỉ để đánh đổi một tô bún, tô phở ngon. Và nếu người tiêu dùng mạnh mẽ phản đối, lên án tẩy chay, không bao giờ bước chân vào những quán có cung cách phục vụ kém thì chắc chắn hiện tượng này sẽ sớm bị xóa sổ.
Thưởng thức ẩm thực xưa nay vốn được xem là cái thú. Ẩm thực không chỉ đơn thuần là món ăn, nguyên liệu chế biến mà còn là sự tổng hòa của nhiều yếu tố như: văn hóa, thói quen, tập quán đại diện cho cả một vùng đất.
Thời xưa khốn khó, nhưng người ta vẫn coi trọng nét đẹp trong việc thưởng thức ẩm thực. Thậm chí nhiều nhà văn, nghệ sỹ còn nâng tầm “cái ăn” lên thành nghệ thuật. Tản Đà từng đúc kết: “Ăn là cả một nghệ thuật, mà nghệ thuật ăn nhiều khi lại khó hơn nghệ thuật viết văn”. Ông thẳng thắn cho rằng, cái ngon của một món ăn không chỉ bởi hương vị hấp dẫn mà phải kèm theo cả điều kiện: “giờ ăn ngon, chỗ ngồi ngon và người cùng ăn phải ngon”.
Hà Nội đã từng nhiều lần quyết liệt, tuyên bố sẽ xóa sổ bún mắng cháo chửi. Năm 2017 UBND TP cũng ban hành Bộ quy tắc văn hóa ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, đến giờ hiện tượng xấu xí này vẫn tồn tại, thậm chí tại nhiều nơi, người ta còn xem đây là cách phục vụ độc đáo ở quán ăn mình.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần mạnh tay, kiên quyết bằng những hành động cụ thể như: tước giấy phép, đình chỉ thậm chí đóng cửa vĩnh viễn đối với các nhà hàng, quán ăn có cung cách phục vụ lệch chuẩn. Còn người tiêu dùng, hãy mạnh mẽ “tẩy chay”, từ chối bước vào những quán ăn miệt thị, coi thường khách hàng.
Hãy đừng để những quán “bún mắng, cháo chửi” như “con sâu bỏ rầu nồi canh”, khiến văn hóa và du lịch Hà Nội trở nên xấu xí, méo mó trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.
Hà Trang