Vấn đề rất hệ trọng, xin đừng quên “quyền của chủ nhà”!

(Dân trí) - Thông tin được báo Vietnamnet đăng tải ngày 5/8 dẫn báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho hay, với tư cách tổng thầu EPC nhà máy Đạm Ninh Bình, Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã không phối hợp với Vinachem giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử nhà máy lần 2.

Vấn đề rất hệ trọng, xin đừng quên “quyền của chủ nhà”! - 1

Báo cáo nêu rõ: Nhà thầu Trung Quốc này cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B.

Lưu ý rằng, hợp đồng EPC dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được ký giữa Vinachem và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu ngày 15/11/2007, thời gian thực hiện 42 tháng thế nhưng cho đến nay tranh chấp hợp đồng hợp đồng EPC vẫn chưa được giải quyết xong để có thể quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án.

Đây là dự án trọng điểm của ngành hoá chất, số tiền đầu tư lên tới 12 nghìn tỷ đồng, từng phải nằm “đắp chiếu” và mới hoạt động trở lại. Thế nhưng, nửa đầu năm nay, đơn vị này vẫn hoạt động không hiệu quả, tiếp tục ghi nhận lỗ 286 tỷ đồng (theo báo cáo của lãnh đạo Vinachem tại hội nghị sơ kết 6 tháng 2019).

Một lãnh đạo Vinachem khi trao đổi với báo chí đã phải than rằng: Những khoản lãi vay “khủng khiếp” của các dự án đầu tư nghìn tỷ đồng thua lỗ đang ngày đêm “hút máu” toàn bộ lợi nhuận cũng như nguồn lực của tập đoàn khiến tập đoàn luôn trong cảnh kiệt quệ về nguồn tiền và đầu tư.

“Tình cảnh của Đạm Ninh Bình đến giờ không biết phải mô tả thế nào. Tập đoàn cũng đã tính xây dựng phương án bán dự án Đạm Ninh Bình để lấy tiền trả nợ hoặc xin cho phá sản dự án. Còn nếu kéo dài thì khó khăn không biết thế nào. Việc dự án thua lỗ kéo sập cả tập đoàn hoàn toàn có thể xảy ra”, vị này nói (Tiền Phong, 16/4/2019).

Những thông tin trên đây khiến người đọc không phải chỉ “quan ngại” mà thực sự quá đau xót. Dự án này cùng với dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông xây dựng suốt 1 thập kỷ, qua biết bao lần đội vốn, giãn tiến độ, đến nay vẫn chưa thể đi vào sử dụng đã khiến người ta khó mà không cảm thấy “ngán ngẩm” đến “nghi ngại” đối với một số nhà thầu Trung Quốc.

Và hiện nay, khi dự án rất quan trọng là cao tốc Bắc Nam thực hiện đấu thầu quốc tế, ngay từ vòng sơ tuyển, số lượng nhà đầu tư Trung Quốc đã áp đảo, một lần nữa, công luận lại lo nếu dự án này rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc thì khả năng kéo theo các nhà thầu Trung Quốc là không nhỏ.

Thực tế, Trung Quốc là một quốc gia mạnh về xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi triển khai tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam thì nhà thầu Trung Quốc lại kém uy tín bởi họ đưa sang những doanh nghiệp nhỏ theo kiểu “đang học việc” để “thực tập”.

Dù là vậy, đúng như PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phát biểu, việc các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là quy luật của hội nhập, nhưng chúng ta với quyền chủ nhà thì phải đề ra tiêu chí để phân biệt nhà đầu tư/nhà thầu tốt, ngăn cản nhà đầu tư/nhà thầu chưa tốt.

Người viết đồng ý với ông Thịnh, rằng: Chúng ta là người đặt “cuộc chơi” nên phải buộc các nhà đầu tư “chơi” theo cách của chúng ta mà vẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế và cũng cần có cơ chế xử phạt rõ ràng với bất cứ ai vi phạm cuộc chơi này.

Và hơn cả, chúng ta thiếu vốn và cần vốn nhưng không phải hy sinh để trở thành gánh nặng, bẫy nợ như một số quốc gia châu Phi đang gặp phải khi Trung Quốc đầu tư, đặc biệt là khi bản thân chúng ta đã có những bài học nhãn tiền từ dự án như Đạm Ninh Bình, đường sắt Cát Linh-Hà Đông kể trên. Không có lý gì có bài học như vậy mà chúng ta còn sa vào.

“Thiếu vốn, chúng ta cũng không nên chấp nhận nhà đầu tư Trung Quốc yếu kém” - xin một lần nữa nhấn mạnh ý kiến của TS Đinh Trọng Thịnh.

Bích Diệp