Làm cao tốc Bắc - Nam: Bài học đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn sờ sờ ra đó!

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, PGS. TS Trần Chủng cho rằng, lo lắng nhà đầu tư này, nhà đầu tư kia là một chuyện. Nhưng điều quan trọng là sau vô số bài học chẳng hạn như ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì vấn đề là phải rút ra bài học, rút ra kinh nghiệm...

Làm cao tốc Bắc - Nam: Bài học đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn sờ sờ ra đó! - 1
Nhà đầu tư Trung Quốc áp đảo số lượng hồ sơ dự thầu cao tốc Bắc Nam

Vòng sơ tuyển 8 dự án xây dựng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) của cao tốc Bắc Nam đã có 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư được nộp.

Theo Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải, trong số đó có tới 30 bộ hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc hoặc liên danh với doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án.

Sau khi thông tin này đưa ra, nhiều người không khỏi lo ngại với số lượng áp đảo cùng với khả năng bỏ thầu thấp, giả thiết dự án đường cao tốc Bắc – Nam - trục xương sống quốc gia - sẽ lặp lại kịch bản của nhiều “đại” dự án như đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Trao đổi với Dân trí, PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng); Trưởng ban Chất lượng Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã có những bình luận rõ hơn về vấn đề này.

PGS. TS Trần Chủng nói:

-Đây là vòng sơ tuyển để tìm ra nhà đầu tư. Nhà đầu tư khác với nhà thầu. Tại một số dự án như đường sắt Cát Linh – Hà Đông đó là vấn đề về tổng thầu EPC Trung Quốc.

Tất nhiên nếu dự án rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc thì khả năng kéo theo là các nhà thầu Trung Quốc rất cao. Chất lượng, tiến độ dự án nằm rất nhiều ở khâu nhà thầu.

Dư luận rất quan tâm đến chất lượng dự án, tiến độ dự án. Và thời gian qua không ít dự án liên quan đến nhà thầu Trung Quốc bị chậm tiến độ, đội vốn nên lo ngại của dư luận không phải không có cơ sở.

Tuy nhiên, khi chúng ta đấu thầu quốc tế thì không được phép có sự phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Vấn đề nằm ở chỗ ai đủ điều kiện, ai không thôi.

Do vậy ngay từ đầu, tôi cho rằng tuỳ từng dự án với những điều kiện khác nhau mới xem xét quyết định có lựa chọn đấu thầu quốc tế hay không.

Có những dự án vì lý do an ninh, quốc phòng, chính trị hay vấn đề nào đó thì cần vốn nhà nước, có những dự án doanh nghiệp nhà đầu tư trong nước làm, có những dự án thu hút được vốn nước ngoài.

Còn khi đã chọn phương thức đấu thầu quốc tế rồi thì buộc phải tuân thủ luật chơi, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, không được phép kỳ thị, phân biệt.

Dự án đường cao tốc Bắc – Nam được ví như “trục xương sống quốc gia”, là dự án lớn và quan trọng. Vậy theo ông cần lưu ý những gì trong việc chọn nhà đầu tư để tránh câu chuyện chậm tiến độ, đội vốn “khủng” hay chất lượng không được đảm bảo?

-Lo lắng nhà đầu tư này, nhà đầu tư kia là một chuyện. Nhưng điều quan trọng là sau vô số bài học chẳng hạn như ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì vấn đề là phải rút ra bài học, rút ra kinh nghiệm.

Phải tập hợp lại những gì mình làm chưa tốt, mình còn sơ hở, còn kém để lấy đó làm bài học, thay vì kỳ thị hay lo sợ vô ích.

Ai làm cũng được nhưng vấn đề là họ có đủ điều kiện trúng thầu không và chúng ta kiểm soát được. Tức là làm chủ tình hình chứ không rơi vào thế bị động.

Nếu không làm chủ tình hình thì bất cứ đối tác nào cũng sẽ rủi ro chứ đâu riêng gì Trung Quốc hay nhà đầu tư nào. Nếu chúng ta yếu, kém thì ai cũng sợ.

Nhiều khi mình đang chơi với một ông rất “thủ đoạn” thì quay ra tẩy chay. Nhưng nếu bản thân không tự tốt lên, mạnh lên để kiểm soát cuộc chơi, phát huy cái tốt của đối tác, hạn chế cái “tật”, cái “kém” của họ thì làm gì, với ai cũng khó khăn.

Thế nên vấn đề ở đây là chúng ta phải làm chủ cuộc chơi, phải hiểu được các đối tác, khai thác sức mạnh, tiết chế nhược điểm của họ. Luôn luôn chủ động. Không chủ động, với ai thì cũng sẽ nhận phần thua thiệt.

Báo chí vừa qua có nêu vấn đề: Việc sơ tuyển đấu thầu đường cao tốc Bắc – Nam hiện có tiêu chí thầu quá cao khiến nhà đầu tư trong nước khó tham gia, điều này khiến những gói thầu dễ rơi vào nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như việc quy định vốn chủ sở hữu cho dự án tối thiểu bằng 20% là lớn hơn rất nhiều so với nghị định 63/2018 quy định (15%)… Theo ông, tiêu chí để làm ra một dự án có chất lượng, đảm bảo tiến độ thì cần những điều gì?

-Tôi được biết Bộ GTVT đưa ra nhóm tiêu chí đầu tiên là năng lực tài chính (tiêu chí này chiếm tới 60%), thứ hai là yếu tố kinh nghiệm (chiếm tỷ trọng 30%), thứ 3 là khâu tổ chức (10%).

Các tiêu chí này thực ra không có gì khác biệt ghê gớm. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận chúng dẫn đến nhiều cái bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Song các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước cũng có thể liên danh với nhau, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính để thực hiện dự án chứ không phải không có “cửa”.

Doanh nghiệp trong nước muốn làm thì phải tìm giải pháp, phải làm sao để “tham chiến” một cách sòng phẳng được với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong các số tiêu chí đưa ra, tôi cho rằng việc quá khắt khe đã từng đầu tư dự án nọ, dự án kia với quy mô lớn cũng là thách thức. Đôi khi rất nhiều công trình, các dự án rất lớn ở Việt Nam như nhà chọc trời 81 tầng ở Sài Gòn chẳng hạn, đầu tư rất thành công dù do doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm nhà siêu cao tầng.

Cái tiêu chí tôi cho rằng rất quan trọng ở đây đó là tiêu chí thứ 3, cách thức tổ chức như thế nào. Kinh nghiệm là một tiêu chuẩn cần thiết nhưng không nên quá cứng nhắc. Dự án có thành công hay không chính là năm ở sự tổ chức.

Tổ chức tốt tức là họ tập hợp được nhà thầu giỏi, họ phân chia, tìm đốc tác mảng miếng cụ thể, phù hợp. Nhiều doanh nghiệp trẻ, họ có tầm nhìn, họ thành công là vì mô hình tổ chức của họ tập hợp được trí tuệ trong nước và quốc tế.

Ông nghĩ rằng chúng ta có thể rút ra được bài học gì sau nhiều dự án khiến dư luận bức xúc thời gian qua?

-Một cái rất là khó của chúng ta đó là sau khi qua sơ tuyển rồi, chọn được các nhà đầu tư rồi nhưng khâu đàm phàn, thương thảo hợp đồng còn yếu kém, chưa có kinh nghiệm.

Điều quan trọng là phải phải có kỹ năng, hiểu biết sự đàm phán để hình thành ra hợp đồng kinh tế trong đó đảm bảo được quyền lợi cân bằng cho các bên.

Nhiều khi chúng ta cứ lo chọn đầu tư mà coi thường vấn đề này. Đến khi có xảy ra tranh chấp, phát sinh vấn đề chúng ta dễ nhận thua thiệt.

Cần lường hết mọi rủi ro, quá trình làm cũng cần có những điều khoản kiểm soát để đảm bảo tiến độ, chất lượng. Hạn chế tối đa những bất lợi. Trong đó ngoài tiến độ, chất lượng cũng cần lưu tâm đến những vấn đề về lao động, nguyên vật liệu…

Khi đã có hợp đồng rồi thì tiếp đến là khâu tổ chức, kĩ năng giám sát thế nào đây. Cơ quan quản lý nhà nước cần có trình độ nhất định để giám sát được quá trình thực hiện dự án.

Theo nhìn nhận của ông, cao tốc Bắc – Nam có phải một dự án thực sự thu hút đầu tư?

-Theo góc nhìn của tôi, cao tốc Bắc - Nam chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư. Tới đây khi vào vòng thương thảo, đàm phán thì cần phải giải quyết được bài toàn lưu lượng xe.

Hiện chúng ta cũng có Quốc lộ 1 với nhiều đoạn tuyến đã được đầu tư BOT. Vậy thời gian tới việc giải quyết bài toán lưu lượng xe để đảm bảo phương án tài chính ra sao là một vấn đề.

Đợt sơ tuyển vừa rồi rất nhiều nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ. Nhưng không phải ai cũng điều kiện. Sau khi sơ tuyển tìm được một số doanh nghiệp rồi mới đến vòng tiếp theo. Nhưng quan trọng sau đó còn ở khâu thương thảo hợp đồng.

Nếu nhiều điều kiện không được thoả mãn, doanh nghiệp không tìm được lợi ích thì họ cũng sẵn sàng bỏ cọc để rút. Bất kỳ một dự án nào muốn làm được cũng phải cân bằng được lợi ích 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Bộ Giao thông Vận tải đã công bố danh mục 8 dự án xây dựng tuyến cao tốc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Đó là các dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Sau khi có kết quả sơ tuyển vào tháng 8/2019, quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10, sau đó là công tác chấm thầu, phê duyệt kết quả trong tháng 3/2020; đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.

Nguyễn Mạnh (thực hiện)