Tượng đài trong “mùa khó”
(Dân trí) - Tôi tạm gọi giai đoạn này là “mùa khó” vì ngay cả khi kinh tế tăng trưởng dương, dịch Covid-19 được khống chế, thì cuộc sống của người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.
Chính vì vậy, những quyết định về đầu tư ngân sách vào đâu, “rót tiền” vào lĩnh vực nào, những dự án, những chương trình nào… đều thực sự rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay.
Được phê duyệt năm 2019, công trình tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt có tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 48 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện Vĩnh Thành huy động từ các nguồn vốn xã hội hoá khác.
Tượng đài xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000 m2 và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngay trong tháng này (tháng 7/2020) để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong tháng 8/2020.
Tuy vậy, theo thông tin được báo chí đăng tải thì công trình này hiện mới chỉ hoàn thành trên 50% khối lượng công việc. Nói theo cách nói thông thường đó là “chậm tiến độ” rất nặng!
Không những vậy, công trình tượng đài lại đang gây tranh cãi về mặt nghệ thuật điêu khắc. Theo nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na), Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định, nhiều chi tiết điêu khắc của tượng đài chưa phải của người Ba Na.
Vì là người ngoại đạo nên người viết xin không bình luận về ý nghĩa nghệ thuật của công trình này. Tuy nhiên, một dự án với nguồn vốn đầu tư lớn nhưng khi mới chỉ hoàn thành 50% thì đã vấp phải ý kiến phản đối của những nhà chuyên môn, vậy liệu đã tham vấn kỹ lưỡng và nghiên cứu nghiêm túc hay chưa?
Nếu như quá trình đề xuất và thực thi dự án có sự cẩu thả, thì trách nhiệm lớn thuộc về chính quyền địa phương. Từng đồng vốn ngân sách bỏ ra đều cần phải thận trọng và mang lại giá trị cho cộng đồng, huống hồ là hàng chục tỷ đồng? Về vấn đề này, hi vọng lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh sẽ sớm có phản hồi với báo chí để đồng bào trên địa bàn cũng như nhân dân cả nước được rõ.
Hơn nữa, Vĩnh Thạnh là một trong ba huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định. Bởi vậy, việc xây dựng công trình gần 50 tỷ đồng có là “quá lớn”?
Tri ân, trân trọng và lưu giữ những giá trị tốt đẹp mà thế hệ đi trước để lại… đó là điều cần thiết. Nhưng lịch sử sẽ thực sự có ý nghĩa khi tương lai nở hoa trên mảnh đất của quá khứ.
Không một tượng đài chiến thắng nào có giá trị bằng chính cuộc sống của người dân được thay da đổi thịt từng ngày. Nếu Vĩnh Thạnh thoát được “top nghèo”thì chắc rằng khúc khải hoàn ca mới thật trọn vẹn.
Gần 50 tỷ đồng để xây một công trình gây tranh cãi có thể giúp rất nhiều trẻ em được đến trường, cải thiện điện - đường - trường - trạm cho người dân, tạo sinh kế cho bà con Vĩnh Thạnh…
Những bức tượng đài hoành tráng xây từ bê tông và đá, không tránh khỏi sẽ gây tranh cãi, thậm chí có trường hợp còn phản cảm trong lúc hoàn cảnh sống người dân còn nghèo, còn thiếu thốn. Chỉ những bức tượng đài nếu xây được trong lòng dân thì mới mãi vững bền.
Điều giản dị đó, ước gì, các vị lãnh đạo đều nghĩ đến!
Bích Diệp