Từ chuyện bầu Đức thua lỗ, ngẫm đến cái khó của làm nông
(Dân trí) - Chặng đường của bầu Đức phản ánh rõ thực tế về những khó khăn của ngành nông nghiệp nói chung. Đại gia làm nông đã khó, nông dân làm nông càng khó.
"Theo quy định tại khoản 1, Điều 120, Nghị định 155 về việc hủy niêm yết bắt buộc, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã lỗ liên tiếp 3 năm và buộc phải giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Đã có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện quy định trên, nếu UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) cho phép HAG ở lại HoSE, sẽ tạo tiền lệ để các doanh nghiệp khác khi rơi vào trường hợp này xin ở lại, tạo cơ chế xin - cho", tờ Đầu tư Chứng khoán ngày 11/2 trích dẫn một số ý kiến đưa ra trước cuộc họp trực tuyến liên quan đến vấn đề trên ở UBCKNN trong tuần vừa rồi.
Đây có thể nói là "hung tin" với cổ đông HAGL khi mà kiến nghị được ở lại sàn HoSE của HAGL dường như không nhận được mấy ý kiến ủng hộ.
Chưa rõ quyết định cuối cùng từ cơ quan chức năng ra sao nhưng việc HAGL thua lỗ 4 năm liên tiếp là thật. Năm 2021, dù tập đoàn này báo lãi nhưng cũng không thấm là bao so với mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng của những năm về trước, lỗ lũy kế còn hơn 4.400 tỷ đồng.
Nguy cơ hủy niêm yết với cổ phiếu HAGL trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Diễn biến hiện nay là điều chẳng ai ngờ đến khi ngược về 13-14 năm trước, HAGL thuộc thế hệ doanh nghiệp tiên phong niêm yết và bầu Đức từng là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam dám mua máy bay riêng phục vụ cho công việc.
Hơn một thập kỷ bể dâu, dù bầu Đức vẫn thủy chung với bóng đá nhưng thương trường khốc liệt đã khiến vị đại gia phố núi năm lần bảy lượt phải tái cơ cấu để trả nợ và tồn tại. Cần phải nói rằng, bước ngoặt trong quá trình hoạt động của HAGL là chuyển từ thế mạnh khai thác gỗ và bất động sản sang sản xuất nông nghiệp.
Rõ ràng ngay từ đầu, bầu Đức đã chọn giải một bài toán khó, quá khó! Ai cũng biết rằng, rất nhiều đại gia ở ta giàu lên từ kinh doanh đất, buôn bán bất động sản. Thậm chí, ngay cả khi họ triển khai dự án ở những ngành nghề khác thì đích ngắm đến vẫn là quỹ đất. Trong khi đó, bầu Đức ngược đời, lại tuyên bố bỏ hẳn bất động sản để làm nông.
Trong phiên họp đại hội đồng cổ đông 2021, ông Đức nêu quan điểm khá rõ ràng với cổ đông: "Về giá trị đất đai thì theo đánh giá của tôi quan trọng là mình sở hữu bao nhiêu diện tích đất để đủ khả năng quản lý, sinh lời… chứ không cần sở hữu quá nhiều, chỉ cần đất tốt, tỷ lệ sinh lời cao".
Quan điểm này, theo người viết, là tích cực nhưng để làm được thì không dễ. Nông nghiệp - nhất là nông nghiệp công nghệ cao - là một ngành đốt tiền, ngốn rất nhiều vốn, phụ thuộc quá lớn vào thiên nhiên. Tuy vậy, đây lại là ngành nghề tạo công ăn việc làm và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, mang về sản phẩm, mang ngoại tệ cho đất nước. Hướng đi của những doanh nhân như bầu Đức - dám nghĩ dám làm - rất đáng được trân trọng và cần sự khuyến khích ủng hộ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng có một bình luận rất đáng suy ngẫm trên báo chí: Đất nước muốn phát triển thì doanh nghiệp không thể chỉ thích làm bất động sản. Theo bà, Nhà nước cần khuyến khích tư nhân bỏ vốn vào sản xuất, thay vì tập trung quá nhiều vào bất động sản như lâu nay. Vậy nhưng, bà Lan cũng nhận xét, riêng mảng nông nghiệp lại rất khó làm, chả ai muốn cả, khó nhằn nhất vì đất đai phân tán, nông dân làm ăn manh mún, rủi ro thiên tai, dịch bệnh thường trực và lợi nhuận thấp.
Nói với người viết, một chuyên gia lâu năm trong ngành trải lòng: "Làm nông nghiệp gian nan lắm. Tôi từng làm chuyển giao giống cây trồng cho một Tập đoàn nước ngoài, mà 9/10 mô hình là thất bại, không mưa ngập úng thì gió đổ ngã, không gió đổ ngã thì lũ cuốn trôi , không lũ cuốn trôi thì cũng dịch hại tấn công… Nên góc độ nào đó, tôi cảm thông với những khó khăn của ông Đức, cần có những người như thế mới tạo ra được đột phá cho ngành nông nghiệp".
Chặng đường của bầu Đức phản ánh rõ thực tế về những khó khăn của ngành nông nghiệp nói chung. Đại gia làm nông đã khó, nông dân làm nông càng khó. Vậy nên, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông không phải ngày một ngày hai, cần thiết phải có những cơ chế tạo điều kiện rất lớn.
"Sông có khúc, người có lúc", kinh doanh có lúc lỗ lúc lãi - đó là chuyện thường tình. Theo quy định, HAGL có thể bị hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE, song người viết vẫn tin rằng, để một nền kinh tế phát triển bền vững, cần nhiều hơn những người như bầu Đức, cần khuyến khích được những thế hệ doanh nhân mới dám dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh, sản xuất.