Treo mạng người dân trên những chiếc cầu treo

(Dân trí) - Sau vụ sập cầu treo Chu Va ở Lai Châu, người ta mới giật mình kinh hãi “kiểm điểm” lại các cây cầu treo khác ở mọi miền đất nước.

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp) 

 
Hóa ra, còn nhiều cây cầu thuộc loại nguy hiểm kinh khủng hơn cây cầu ở Chu Va. Hóa ra, bấy lấu nay người dân qua lại ở các cây cầu này đánh cược với tử thần từng ngày. Cái mạng con người như chơi trò đánh bạc, năm ăn năm thua.

 

Phóng viên các báo, đài “ra quân” ngay sau vụ sập cầu treo Chu Va, ghi lại hình ảnh của nhiều chiếc cầu ở một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, phần lớn đã xuống cấp, nhưng không được sửa chữa. Chỉ riêng tỉnh Cao Bằng có hơn 200 cầu treo, nhưng theo phát ngôn của ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nông Văn Hải, thì hiện nay, chưa thể biết có bao nhiêu cầu có chất lượng kém hay xuống cấp cần sửa chữa.

 

Sau chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương đang ráo riết triển khai công tác thống kê, kiểm tra, đáng giá chất lượng các cây cầu treo dân sinh trên địa bàn. Có địa phương như Đắk Lắk, có hơn 600 cầu nhưng hơn một nửa đã xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn nhưng không có kinh phí để sửa chữa.

 

Rõ ràng, nếu không có sự cố tai nạn cầu treo Chu Va, thì sẽ không có ai quan tâm đến các cây cầu treo dân sinh. Tức là, mạng người dân ở các vùng này đang treo lơ lửng. Cái chết của những nạn nhân ở cầu Chu Va đánh động đến các nhà quản lý, để họ quan tâm đến số phận của những chiếc cầu treo còn lại và số phận của hàng triệu con người đang phải đi lại trên những chiếc cầu này.

 

Một sự giật mình tỉnh thức quá muộn màng.

 

Có một điểm rất chung, khi trả lời về tình trạng xuống cấp của các cây cầu, lãnh đạo các địa phương đều cho biết là thiếu kinh phí. Tỉnh nào cũng thông báo cầu bị hư hỏng, mất an toàn, nhưng không có tiền sửa chữa. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra chất lượng của cầu treo dân sinh trên toàn quốc và chắc chắn bản báo cáo có được sẽ là “hư hỏng nghiêm trọng”, là “cần phải sửa chữa gấp để đảm bảo an toàn”. Con số  kinh phí để sửa chữa chắc chắn sẽ lên đến hàng nghìn tỉ đồng, vượt ngoài tầm giải quyết của một ngành.

 

Nhưng dù khó khăn đến mấy thì việc sửa chữa những cây cầu treo cũng phải được quan tâm giải quyết. Mạng sống con người là quý giá nhất, không thể để xảy ra một Chu Va thứ hai trên đất nước này. Tuy nhiên, điều quan trọng là đồng tiền rót về cho việc sửa chữa cây cầu phải được sử dụng đúng mục đích của nó, phải được kiểm tra giám sát chặt chẽ, không để rơi rớt từ một con ốc, một cây đinh.

 

Điều quan trọng là đồng tiền rót về để sửa chữa những chiếc cầu treo không phải là cơ hội béo bở cho những người có quyền tham gia. Nhưng điều đó quả thật vô cùng khó khăn trong lúc này.

 

Và điều mong muốn là có sự minh bạch, sử dụng đúng mục đích nguồn tiền sửa chữa những cây cầu đó.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!