“Tòa án mà còn từ chối thì dân biết đi đâu?”

(Dân trí) - Đã là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” thì “phải dành sự khó khăn về cho Nhà nước, chứ không thể đổ hết khó khăn cho dân”, nếu làm ngược lại thì…! Mặt khác, đến “tòa án mà còn từ chối thì dân biết đi đâu?”.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cuộc tranh luận sôi nổi tại nghị trường ngày 15/6 xung quanh bổ sung quan trọng trong Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đội), đó là tại khoản 2, Điều 4 quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm, cho rằng đây là bước tiến bộ của xã hội.

ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nói: “Tôi đồng ý quy định tòa án không được từ chối yêu cầu của dân khi chưa có điều luật quy định. Khi xem xét, xử lý các vấn đề pháp luật không quy định thì tòa án có thể áp dụng quy tắc chung của Hiến pháp, pháp luật. Đây là nguyên tắc tiến bộ để đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân”.

Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), quy định như dự thảo đặt ra sẽ tháo gỡ những khó khăn cho nhân dân khi không biết kêu ai, hỏi ai và đặt câu hỏi: “Tòa án được coi là biểu tượng cơ quan công lý mà còn từ chối nữa thì dân biết đi đâu?”.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) phân tích quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013, không mâu thuẫn với quy định trong xét xử thẩm phán, hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật. ĐB Hồng còn bày tỏ sự lo ngại khi bị từ chối hoàn toàn có thể sẽ dẫn đến hậu quả người dân sẽ “tự xử”, gây những hệ quả xấu và rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, một số đại biểu lại không đồng tình. Theo báo Điện tử của Chính phủ ngày 15/6 cho biết các đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên-Huế), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị không nên bổ sung quy định này vào dự thảo, lý do là bởi “không có điều luật để áp dụng tại Điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) vì không có điều luật thì Tòa án không có căn cứ để xét xử. Án lệ chưa phải là một nguồn luật chính thức. Việc áp dụng nguyên tắc tương tự và theo lẽ công bằng sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện.

Quy định này còn không phù hợp với Hiến pháp, với quy định toà án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nó còn mâu thuẫn với ngay dự thảo Bộ luật về việc đảm bảo pháp chế XHCN. Đại biểu phân tích nguyên tắc nhà nước pháp quyền hay pháp chế XHCN luôn đòi hỏi Nhà nước trước hết phải có luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức và cá nhân phải thượng tôn pháp luật”.

Mình không hiểu thật sâu sắc về vấn đề này và đây là cuộc tranh luận của các chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp. Tuy nhiên, mình nhận thấy việc đưa qui định này vào Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) là cần thiết vì nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, như lời của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình:

“Cơ sở đặt ra điều đó vì Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân và bảo vệ lợi ích chính đáng của dân. Cái gì dân yêu cầu chính đáng phải tham gia giải quyết. Phải dành sự khó khăn về cho Nhà nước, chứ không thể đổ hết khó khăn cho dân”.

Cần nhắc lại, ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Nhà nước Việt Nam dân chủ kiểu mới là nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Đã là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” thì “phải dành sự khó khăn về cho Nhà nước, chứ không thể đổ hết khó khăn cho dân”, nếu làm ngược lại thì…!

Mặt khác, đến “tòa án mà còn từ chối thì dân biết đi đâu?”.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!