Tình yêu và phim ảnh

(Dân trí) - Trong tiếng Anh có một câu: “Love is the universal language” (tạm dịch: Tình yêu là ngôn ngữ không biên giới). Tôi đã luôn nghĩ là nó rất đúng.

 

Không có nơi nào trên thế giới mà con người ta không tán tỉnh nhau, không nắm tay, không hôn, không cưới nhau và sinh con đẻ cái.

Trong một giờ học mà tôi đứng lớp mới đây, tôi đề nghị các học viên phát biểu cảm tưởng về tình yêu. Họ đều khá trẻ, trên dưới 20, chưa ai kết hôn.

Đây là một chủ đề mà mọi người đều hứng thú, nhất là các bạn trẻ, nên tất nhiên cuộc trao đổi rất thú vị. Nhưng những điều các bạn nói khiến tôi khá ngạc nhiên.

Ở tuổi các bạn, tôi cũng đã có những ý tưởng riêng về tình yêu, mà giờ đây trở nên khá ngây thơ. Những ý tưởng đó dựa trên sự thiếu kinh nghiệm. Nói chung không có gì đặc biệt: Niềm tin, sự tin cậy, sự tử tế, rộng rãi...; nhưng quan trọng nhất, và cũng thật ngây thơ, đó là cảm xúc mạnh mẽ.

Cảm xúc đó, tôi từng nghĩ, là cốt lõi của mọi thứ; mà nếu mất đi, sẽ khiến mọi thứ khác trở nên vô nghĩa. Sự thủy chung hay tử tế thì để làm gì khi mà cảm xúc của tình yêu đã chết?

Đó là cách tôi từng nghĩ. Giờ đây, nói thật là, tôi không chắc lắm. Tôi đã từng chia sẻ với các bạn là tôi không có ý định kết hôn, nên có lẽ tôi không phải là một "ca" bình thường, ở đây cũng như ở phương Tây.

Dù sao, quan điểm của các học viên đã khiến tôi nghĩ rằng, mặc dù tình yêu tồn tại ở mọi nơi - một ngôn ngữ không biên giới, có lẽ cách chúng ta suy nghĩ về nó không thật giống nhau.

Trên đường chạy xe tới lớp học, tôi đã hình dung trong đầu cuộc trò chuyện sẽ diễn ra thế nào. Tôi sẽ hỏi các bạn một loạt câu hỏi. Tôi thậm chí còn tưởng tượng các bạn sẽ trả lời ra sao. Tôi không chờ đợi nhiều sự bất ngờ.

Tôi cũng đã từng ở tuổi 20, nên tôi nghĩ sẽ chẳng có gì đáng bất ngờ. Nhưng hóa ra tôi nhầm!

Ví dụ, một câu hỏi là: "Bạn quen bạn gái/bạn trai của mình trong trường hợp nào?". Gần như mọi người có bạn trai/bạn gái đều nói họ bắt đầu từ tình bạn.

Ok.

"Các bạn đã chuyển từ bạn bè sang "trên mức" bạn bè thế nào? Có một thời điểm nào đó không?"

Không ai nói có. Tôi có cảm tưởng tất cả đều rất cẩn trọng. Họ cần tìm hiểu rất kỹ một người trước khi quyết định đưa quan hệ đi xa hơn.

Câu hỏi tiếp theo: "Có ai tin vào tình yêu sét đánh không?"

Không ai nói có.

Không rõ các bạn có để ý tới vẻ ngạc nhiên trên mặt tôi không, khi thấy sự cẩn trọng và trưởng thành thể hiện từ những người rất trẻ.

-----------------------

Có thể các bạn chưa rõ lắm tại sao điều này lại khiến tôi ngạc nhiên. Tôi sẽ không thay mặt toàn bộ Tây Bán cầu, nhưng tôi sẽ kể về những trải nghiệm của mình ở Mỹ.

Cá nhân tôi có cảm giác người Mỹ nói chung đã bị phim ảnh "lừa". Từ nhỏ, ngay cả khi xem phim dành cho trẻ em, chúng tôi đã được nghe những cụm từ như "tình yêu sét đánh", "tình yêu đích thực", "người tri kỷ"... Chúng tôi xem những bộ phim đó, với cảnh cuối khi cặp đôi đẹp như mơ đi trong ráng chiều, trên bãi biển, có thể là trên lưng ngựa nữa.

Vâng, rất là nên thơ đối với một bộ phim dài 90 phút. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi hoàng tử và công chúa đó phải về nhà và quyết định ai sẽ trả các hóa đơn, ai sẽ nấu ăn và dọn dẹp, ai sẽ phải dậy giữa đêm đi kiểm tra nhà cửa khi nghe thấy tiếng động lạ (chắc chắn không phải là tôi!), ai sẽ bế con khi nó khóc?

Tất cả những vấn đề gia đình đó hình như được tách rời khỏi ý tưởng về "tình yêu" ở Mỹ. Thực ra, tôi đã không hề nhận ra điều đó trước khi nói chuyện với các bạn trẻ Việt Nam.

Có lẽ đây là nguyên nhân gây ra tỉ lệ li hôn cao ở Mỹ. Các con số thống kê rất khác nhau, nhưng có thể an toàn mà nói rằng, ở Mỹ, hơn 50% số cuộc hôn nhân kết thúc bằng sự tan vỡ.

Tình hình đã tới mức Thỏa thuận Tiền hôn nhân trở nên khá phổ biến ở nước tôi. Đây là một thỏa thuận mà bạn ký trước khi cưới, ghi rõ "Nếu chúng ta li dị trong tương lai, tôi sẽ giữ cái này, chị (anh) sẽ giữ cái kia"... Có thể bà vợ sẽ được cái nhà, ông chồng sẽ giữ hết tiền. Đại loại thế.

Tôi đã bảo là tôi không có ý định kết hôn, nên các bạn biết tôi không phải là chuyên gia gì. Nhưng với tôi, điều này có vẻ điên rồ. Tại sao người ta lại cưới nhau khi chưa cưới đã lên kế hoạch li hôn?

--------------

Tôi sẽ vẫn chia sẻ với tư cách một-người-không-phải-chuyên-gia, vì..., hừm, vì tôi muốn thế, và tôi muốn nghe ý kiến của các bạn.

Với tôi, có vẻ là ở Việt Nam, ngay cả các bạn trẻ cũng nắm bắt được rõ ràng hơn về bản chất của tình yêu. Người Mỹ có sự kỳ vọng quá cao. Chúng tôi muốn cưỡi con ngựa trắng đó và đi vào ráng chiều. Nhưng những kỳ vọng đó là hoàn toàn phi thực tế.

Các bạn (người Việt, xin thứ lỗi về sự tổng quát hóa), muốn có một gia đình ổn định và hạnh phúc. Có vẻ như các bạn sẽ chấp nhận những thiếu sót của bạn đời, miễn là người đó cũng nỗ lực và chia sẻ ngược trở lại.

Và đó không phải là sự tử tế, rộng rãi và tha thứ hay sao? Đó phải chăng là tình yêu đích thực?
 
* Độc giả có thể đọc bài viết này của Brian bằng bản tiếng Anh tại đây.



Brian

(U.M dịch)