Bài 36 Vụ án 194 phố Huế: Sự "ưu ái" đặc biệt của pháp luật Việt Nam
(Dân trí) - Liên tưởng đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn mới thấy Trịnh Ngọc Chung quá may mắn! Một người không phạm tội giết người thì được các cán bộ điều tra cho thực hành “diễn tập” đến khi thành thục để TAND xét xử.
Đã gần 30 tháng kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế trái pháp luật số 07/QĐ-THA ngày 28/06/2011 đã trở thành “điểm nóng” trên các diễn dàn pháp lý thủ đô một thời gian dài và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cơ quan công luận. Tuy nhiên, đến nay vụ án này vẫn chưa thể kết thúc vì việc xét xử Trịnh Ngọc Chung xem ra quá khó khăn!
Hành vi phạm tội đã “sờ sờ” trước mắt, báo chí, công luận đã mất rất nhiều công sức để “phanh phui” việc làm sai trái của Trịnh Ngọc Chung. Thời hạn tố tụng vì thế mà được “đếm” từng ngày với những mong pháp chế Xã hội Chủ nghĩa bình đẳng với mọi đối tượng phạm tội, không kể thân sơ, địa vị, quan hệ, không kể quan hay dân…Thế nhưng, dường như vụ án của Trịnh Ngọc Chung đang chứng minh điều ngược lại.
Mặc cho dư luận xã hội phản ánh gắt gao, mặc cho niềm tin của nhân dân thủ đô vào uy tín, danh dự của các cơ quan tiến hành tố tụng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng vụ án này luôn được tiến hành một cách chậm trễ, gượng gạo và đầy “toan tính”. Không phải vô lý khi có dư luận cho rằng: Bởi “thương hiệu” của người mang danh “thế lực ngầm” đứng sau chống đỡ cho Trịnh Ngọc Chung quá lớn, nên dẫu có muốn, các cán bộ trực tiếp truy tố, xét xử vụ án nhạy cảm này cũng không dễ “ra tay” xét xử theo đúng quy định pháp luật.
Liệu có là “vô tình” khi hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng trong cùng một vụ án đều quá “ưi ái” cho bị cáo “siêu đặc biệt” này?
Cơ quan Điều tra ban hành kết luận điều tra vào ngày cuối cùng theo luật định
Như Dân trí đã đưa tin, thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự thì khoản 3 tội “Ra quyết định trái pháp luật”(Điều 296) có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù giam thì thời hạn điều tra (kể cả gia hạn điều tra) tối đa là 12 tháng kể từ khi khởi tố vụ án.
Như vậy, đúng tròn 01 năm kể từ ngày khởi tố vụ án, cơ quan điều tra mới đưa ra được kết luận cuối cùng đối với hành vi phạm tội của bị can Trịnh Ngọc Chung. Điều này cho thấy, để kết luận Trịnh Ngọc Chung có hành vi phạm tội là việc không hề dễ dàng của cơ quan điều tra.
Viện Kiểm sát khó khăn trong truy tố
Dù bản kết luận điều tra phân tích tương đối rõ ràng, cụ thể hành vi phạm tội trắng trợn của Trịnh Ngọc Chung nhưng cơ quan Viện kiểm sát lại vô cùng khó khăn trong việc truy tố bị can này, đến mức vi phạm nghiêm trọng thời hạn quyết định truy tố theo quy định tại Điều 166 BLTTDS.
Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố
1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:
a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Theo quy định trên, thời hạn để truy tố đối với bị can Trịnh Ngọc Chung không quá 45 ngày (kể cả thời gian gia hạn). Thế nhưng, thay vì thời hạn theo luật định, Cơ quan VKSNDTC đã ban hành cáo trạng số 18/VKSNDTC-V1A truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung theo khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự, về tội “Ra Quyết định trái pháp luật” vào ngày 08/7/2013, tức sau hơn 280 ngày kể từ ngày nhận được bản kết luận điều tra.
TAND TP Hà Nội tiếp tục “phớt lờ” thời hạn
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: Những tưởng những “rào cản” vô hình của vụ án Trịnh Ngọc Chung đã bị sự thật đè bẹp, đẩy lùi, thế nhưng một lần nữa TAND TP Hà Nội lại tiếp tục dành cho bị cáo này những “ngoại lệ” đặc biệt. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử theo quy định của điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự tối đa không quá 4 tháng, tức không quá ngày 12/11/2013, tuy nhiên đến nay, về phía người bị hại (gia đình 194 phố Huế) vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về vụ án từ TAND TP Hà Nội.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân là các Cơ quan tiến hành tố tụng được nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Hơn ai hết, các cơ quan này hiểu rõ sự cần thiết và ý nghĩa của việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động của mình nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ, văn minh. Đáng tiếc thay, ở vụ án này, các cơ quan có thẩm quyền trên đều không đáp ứng được sự kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân vào những người “cầm cân, nẩy mực”, gây dư luận xấu cho nền tư pháp nước nhà.
Quyết định trái pháp luật gây thiệt hại 6,69 tỷ đồng Cáo trạng của VKSNDTC nêu rõ: Trong quá trình thực hiện quyết định ủy thác của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hà Nội (Thi hành Quyết định số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội), ngày 28/6/2011, Trịnh Ngọc Chung là chấp hành viên, Trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA để thực hiện việc giao nhà số 194 phố Huế cho người trúng đấu giá (Ngày 24/8/2009, Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá nhà 194 phố Huế với giá 31.528.000.000đ, trong khí đó giá trị thực của ngôi nhà là gần 80 tỷ đồng - PV). Quá trình điều tra xác định Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt những vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng sở hữu biết; nhà 194 phố Huế chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa theo thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000, hiện nay chưa có quyết định giải tỏa; Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; Vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 không đúng; Tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp. Do đó, đủ căn cứ để xác định Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế là trái pháp luật. Hành vi của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự, gây thiệt hại cho người phải thi hành án là ông Hoàng Ngọc Minh 6,69 tỷ đồng. Hành vi phạm tội trên đây của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào Khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm…”. Bị can Trịnh Ngọc Chung hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú theo lệnh số 11/VKSNDTC-C6 (P1) ngày 8/5/2012 của Cơ quan Điều tra VKSNDTC. Ngoài ra, Quận ủy Hai Bà Trưng cũng đã có quyết định số 1370-QĐ/QU đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với Trịnh Ngọc Chung. *** Như vậy, sau 36 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. Trong quá trình tác nghiệp điều tra vụ việc trên, PV Dân trí gặp phải không ít khó khăn trong việc thu thập tư liệu viết bài, cũng như có rất nhiều luồng dư luận “khóc mướn”, “tán thưởng” với việc làm trái pháp luật của bị can Trịnh Ngọc Chung. Đây chính là một "rào cản" lớn, một hình thức gây "sức ép" cản trở quá trình điều tra của cơ quan chức năng và Báo Dân trí. Đã có lúc đông đảo bạn đọc Dân trí tưởng chừng vụ án có thể "chìm xuồng", rơi vào "ngõ cụt", công lý sẽ không được thực thi!. Hiện nay, dư luận đang mong chờ vụ án 194 phố Huế sớm được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trừng trị thích đáng những kẻ lợi dụng quyền lực công để mưu cầu lợi ích riêng, thanh lọc cán bộ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. |