Sự im lặng trước tòa và phép thử với “người phán xử”

(Dân trí) - “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì - nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Dù diễn biến vụ án phức tạp đến đâu, bao nhiêu chứng cứ được trình ra trước tòa thì chân tướng sự việc cũng chỉ có một, thế nên mới cần trên ai hết sự trung thực của cơ quan điều tra và sự công tâm, minh xét của Hội đồng xét xử.

Sự im lặng trước tòa và phép thử với “người phán xử” - 1

Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga – người từng đạt danh hiệu hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được mở từ ngày 22/6. Chỉ trong ít ngày, rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, từ góc độ con người đến góc độ luật pháp, từ quan hệ tình – tiền giữa đại gia – người đẹp đến chuyện đạo đức, ứng xử nói chung.

Là một vụ án phức tạp, nên người viết xin không đi sâu vào lạm bàn quá nhiều góc độ, chỉ đề cập đến sự im lặng của Phương Nga tại phiên tòa.

Cụ thể, tại phiên xét xử vào chiều ngày 22/6, bị cáo Nga đã hai lần đề nghị được giữ quyền im lặng. Khi đại diện Viện kiểm sát hỏi: “Bị cáo im lặng sẽ gây bất lợi cho mình, bị cáo có biết điều đó không?” thì cô nói: “Bị cáo mất tin tưởng, bị cáo mông lung mất niềm tin cả với cơ quan điều tra. Thậm chí mất niềm tin cả với luật sư của mình, bị cáo chỉ tin tưởng để luật sư Nguyễn Văn Dũng ghi lời khai”.

Tuy nhiên, Phương Nga cũng nhấn mạnh trước tòa: “Bị cáo im lặng chỉ không có nghĩa là đồng ý, im lặng chỉ là sự im lặng mà thôi”. Đồng thời cho rằng: “Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình bị oan, nghĩa vụ này là của cơ quan tố tụng, Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra”.

Trong khi một số người băn khoăn, liệu việc im lặng trước tòa của Phương Nga có thật sự mang lại lợi ích cho cô gái này hay không thì cũng có không ít người am hiểu pháp luật đã đánh giá cao lựa chọn của cô, cho rằng bị cáo đã sử dụng rất đúng lúc và hiệu quả “quyền im lặng” được thể hiện qua tinh thần của Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, vụ án của Phương Nga đã đẩy Hội đồng xét xử phiên tòa vào một “phép thử” - phép thử của công tâm, của những người thực thi công lý. Khi mà trước tòa, cô đã thẳng thắn nói “không tin Viện kiểm sát” nhưng đồng thời cũng nêu rõ nghĩa vụ làm rõ chân tướng sự việc là của Viện Kiểm sát và các cơ quan luật pháp chứ bản thân cô không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.

Đúng vậy, công dân không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Việc thu thập bằng chứng và kết luận một người có tội hay không là việc của hệ thống tư pháp, nhưng dù với cách thức nào cũng đều phải trên nguyên tắc “suy đoán vô tội”.

Vụ xét xử hoa hậu Phương Nga tới đây sẽ còn được báo chí thông tin và được dư luận theo sát quan tâm. Với tinh thần thượng tôn pháp luật và sự soi chiếu của dư luận, người viết hy vọng, công lý sẽ được thực thi.

Bởi, lịch sử tư pháp nước ta có lẽ đã quá đủ những vụ án oan chấn động và người dân sẽ không muốn chấp nhận có thêm một Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Bùi Minh Hải, Trần Văn Thêm… nào nữa. Sự nghiêm minh của luật pháp, công bằng và lẽ phải nếu không được thực thi tại tòa án thì sẽ rất khó có thể tìm thấy ở đâu khác trong xã hội.

Ấy thế mà, vẫn có những vụ việc không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ. Hồi tháng 7 năm ngoái, dư luận xôn xao việc hai thiếu niên phải nhận án tù sau khi cướp giật bánh mì vì đói. Và rồi, cách đây vài ngày thôi, một thiếu phụ lãnh 12 tháng tù giam vì tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” do làm... sứt mép bàn của một quán karaoke dù đã bồi thường 6 triệu đồng so với thiệt hại thực tế chỉ là 2,8 triệu đồng.

Trong khi đó, có những loại tội phạm ấu dâm, những tội phạm tham nhũng, những kẻ gây ra thiệt hại hàng trăm, ngàn tỷ đồng của nước, của dân thì hình như vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng luật pháp.

Người ta vẫn nói, “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì - nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Dù diễn biến vụ án phức tạp đến đâu, bao nhiêu chứng cứ được trình ra trước tòa thì chân tướng sự việc cũng chỉ có một, thế nên mới cần trên ai hết sự trung thực của cơ quan điều tra và sự công tâm, minh xét của Hội đồng xét xử.

Để đến khi bản án được tuyên, cơ quan phán xử không chỉ nhận được sự tâm phục, khẩu phục của người nhận án, mà còn là niềm tin của xã hội vào hệ thống luật pháp. Đúng như tuyên thệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khi nhậm chức: “xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân”.

Bích Diệp