Bảo Ngậu phim Người phán xử: “Tôi thích làm những công việc của phụ nữ”

(Dân trí) - “Tôi thích làm những công việc của phụ nữ. Đơn giản vì công việc của người phụ nữ không nặng nề nhưng lại rất phức tạp…”, diễn viên Bảo Anh, người đóng vai Bảo Ngậu trong phim “Người phán xử” chia sẻ.

Cảm xúc bị chai sạn mới là điều đáng lo ngại

Nhiều người tỏ ra rất ngạc nhiên khi xem Bảo Anh trên phim ảnh và gặp ngoài đời. Trên phim ảnh, anh luôn là người mạnh mẽ, sâu sắc và thậm chí nguy hiểm. Ngoài đời, anh lại là người hơi rụt rè và kiệm lời. Anh giải thích sao về sự mâu thuẫn này?

Trên phim ảnh, tôi là một nhân vật của phim. Mọi thứ thuộc về diễn xuất, lột tả nội tâm và hành động đều theo kịch bản, có sự chỉ đạo của đạo diễn. Ngoài đời, tôi mới là Bảo Anh. Tôi không thuộc dạng giỏi ăn nói, giỏi ngoại giao nên không phải tuýp người của đám đông. Tôi cũng không có nhiều bạn bè trong giới và cũng rất hiếm khi xuất hiện trước báo giới… nên khi đối diện với những người tôi không quen, tôi thường hơi vụng về hoặc lúng túng.

Bảo Anh trong vai Bảo Ngậu của phim Người phán xử.
Bảo Anh trong vai Bảo Ngậu của phim Người phán xử.

Vậy phải chăng điểm yếu của anh cũng chính là khi đối diện với số đông để chia sẻ về bản thân mình?

Thực ra, bản thân tôi chẳng có gì để chia sẻ nên khi đối diện với số đông tôi mới bối rối như vậy. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, những gì thuộc về bối rối, lúng túng, vụng về… mới là điểm mạnh của tôi. Vì đó là những cảm xúc rất đơn thuần. Còn một khi cảm xúc đã chai sạn tới mức không còn biết bối rối, lúng túng, vụng về… thì lại rất đáng lo ngại.

Nhưng một diễn viên mà chỉ sống với những cảm xúc đơn thuần liệu có bị xem đó là điều bất lợi?

Phim ảnh và đời sống cần phải được tách biệt rạch ròi. Trên phim trường, tôi là diễn viên nên tôi không thể nào đưa 100% con người mình vào từng vai diễn. Bản thân mỗi vai diễn đòi hỏi phải có sự hóa thân thì người diễn viên cũng phải biết đưa đẩy cảm xúc sao cho phù hợp với nhân vật mình đảm vai.

Còn ngoài đời sống, tôi không thể sống như nhân vật trong phim. Với tôi, tất cả các mối quan hệ ngoài đời là mối quan hệ giữa con người với con người, nên tôi luôn muốn mình sống đúng với con người mình nhất. Tôi thế nào, sống với mọi người thế đó.

Cách sống đó, có thể có người ưa, có người không ưa… nhưng quan trọng mình không phải là người khác hoặc không bắt chước cách sống của người khác. Và tôi cũng không hề cho việc bối rối, rụt rè hoặc vụng về… là nhược điểm. Nếu tiếp xúc với tôi nhiều, chắc mọi người sẽ thấy tôi còn bối rối, rụt rè hoặc vụng về như thế nhiều lần.

"Con gái dạy tôi nhiều thứ!"

Anh nghĩ sao khi người ta nói anh là “người đàn ông kỳ dị của showbiz”?

Tôi là người đơn giản vì tôi thích giữ lại tất cả những tính cách của người xưa. Tôi thích lối sống nhẹ nhàng, thuần phác và không ưa sự ồn ào. Cách sống đó chắc bây giờ không có nhiều nên mọi người mới nghĩ tôi kỳ dị. Nhưng mọi người nên nhớ, những người càng cố sống đơn giản và thuần phác nhất lại là những người phức tạp nhất.

Bảo Anh từng được nhiều người phong là chiến sĩ công an đẹp trai nhất màn ảnh.
Bảo Anh từng được nhiều người phong là "chiến sĩ công an đẹp trai nhất màn ảnh".

Nếu quan sát kỹ, mọi người sẽ thấy, có nhiều thứ trông tĩnh lặng nhưng chưa chắc đã tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng đó chẳng qua là bề nổi, còn những cái thẳm sâu lại không dễ gì nói ra. Và cái vẻ bề ngoài chẳng qua là thứ để mình giao tiếp với mọi người dễ dàng hơn thôi.

Phải chăng vì thế mà anh luôn “chứng tỏ” sự phức tạp của bản thân bằng những dòng chia sẻ rất dài, rất văn vẻ trên trang cá nhân?

Tôi rất ít các mối quan hệ xã hội. Với tôi, các mối quan hệ đa số đều phải duy trì bằng các cuộc tụ tập, bia rượu, cà phê… mà tôi lại chúa ghét bia rượu. Có thể xem đây là nhược điểm của tôi cũng được bởi có lẽ vì điều này mà tôi mất đi rất nhiều mối quan hệ. Đời sống của tôi vì thế mà dường như rất bó hẹp hơn trong cách nhìn nhận của mọi người nhưng cũng nhờ thế mà tôi có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Còn chuyện tâm sự trên trang cá nhân là vì tôi nghĩ, ngày xưa, mọi người thường hay ghi nhật ký bằng sổ tay thì ngày nay tôi ghi nhật ký bằng mạng xã hội. Những dòng trạng thái mang tính chia sẻ đó là để cuộc sống của tôi có màu sắc hơn một chút, vui vẻ hơn một chút. Và biết đâu, sau này, khi con cái trưởng thành có thể đọc được.

Nhiều người cho rằng, cái cách anh tâm sự với con gái hoặc cách anh dạy con khiến cho người ta nghĩ anh xem con như một người bạn. Anh nói sao về điều này?

Đó là mọi người cảm thấy thế thôi chứ con cái vẫn là con cái, cháu cũng còn quá bé để có thể bạn với bố theo đúng nghĩa một người bạn. Tuy nhiên, xưa nay mọi người cứ nghĩ, cha mẹ dạy dỗ con cái chứ không có chuyện con cái dạy dỗ cha mẹ. Riêng với tôi, cho đến thời điểm này, con gái lại dạy tôi rất nhiều thứ. Dạy tôi biết sống một cuộc sống có trách nhiệm hơn, biết yêu thương hơn và biết cảm thông với phụ nữ hơn. Đặc biệt, khi suy xét vấn đề gì cũng nhìn nhận một cách thấu đáo nhất.

Thú thật là khi nghĩ đến chuyện lập gia đình rồi có con, tôi cứ ước mong đứa con đầu lòng sẽ là một cô con gái. Và may mắn là điều đó xảy ra đúng như ước mong của tôi. Tôi thấy câu nói “Có con gái đầu lòng rất tuyệt” (cười hạnh phúc) là đúng với tôi hoàn toàn.

Vì có con gái đầu lòng đúng như mong ước nên anh mới giành hết mọi phần việc trong gia đình, từ chăm sóc con cho đến việc nhà như một cách để “trả ơn” người bạn đời?

Tôi thích làm những công việc của phụ nữ. Đơn giản vì công việc của người phụ nữ không nặng nề nhưng lại rất phức tạp. Người đàn ông lo việc kiếm tiền có khi chỉ nghĩ đến mỗi việc kiếm tiền nhưng người phụ nữ lại phải đối diện với trăm nghìn việc không tên trong ngôi nhà của mình.

Chỉ nói riêng việc nghĩ ra các món ăn hàng ngày cho chồng con làm sao để mọi người thấy ăn ngon cũng đã đủ rắc rối lắm rồi. Một năm 365 ngày thì người phụ nữ phải nghĩ tới 3.650 lần mới đưa ra được một thực đơn cho những bữa ăn.

Song song với việc chăm lo đời sống vật chất, người phụ nữ còn phải lo vun đắp tổ ấm, đối nội đối ngoại, sắp xếp nhà cửa, chăm sóc con cái… Tôi đã trải qua những “áp lực” đó khi sống một mình từ năm 17 tuổi nên tôi rất thấu cảm điều đó.

Bảo Anh và con gái.
Bảo Anh và con gái.

Tôi nói thẳng, việc chăm một đứa con cho nó phát triển bình thường không hề đơn giản chút nào. Vừa có thể chơi với con những khi con thức, vừa phải lo trông con khi con ngủ, vừa phải lo nấu nướng để con thức dậy có cái ăn, vừa tranh thủ giặt giũ để con có đồ khi tắm rửa, thay tã bỉm… nếu không có sự chia sẻ của người đàn ông, người phụ nữ sẽ vô cùng áp lực. Cho nên, nếu tôi chia sẻ với vợ những việc trong gia đình, âu cũng là điều đáng lắm.

Tôi cảm thấy thoải mái khi cả vợ và chồng cùng làm công việc nhà bình đẳng như nhau. Tôi không nề hà dậy từ sáng sớm đi mua đồ ăn sáng cho vợ, rồi tạt qua chợ mua đồ ăn chuẩn bị cho bữa trưa, xong về nhà lúi húi hàng tiếng đồng hồ trong bếp để nấu nướng. Tất nhiên không phải khi nào tôi cũng làm những việc đó vì còn phải đi đóng phim, còn phải đi kiếm tiền… nhưng thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy đuối.

Đuối nhưng anh vẫn duy trì đều đặn việc đó như một nghĩa vụ của người đàn ông trong gia đình. Điều gì khiến anh có thể làm được như thế?

Tôi nói thật, có những lúc đi làm về mệt mỏi nhưng vẫn phải chơi với con đến tận đêm khuya. Nhiều lúc muốn cáu gắt lắm nhưng vẫn phải tươi cười bởi đó là sự lựa chọn của mình. Và chính con gái là người đã dạy tôi chữ “nhẫn” đó. Đó là chữ “nhẫn” rất tuyệt vời mà tôi có được từ khi làm bố. Nhờ chữ “nhẫn” đó mà tôi vượt qua được mọi khó khăn, giữ được con người mình thuần phác của mình trước những áp lực của đời sống.

(Còn tiếp...)

Hà Tùng Long