Sự cứu rỗi con người chính là lao động, lương thiện và vị tha

(Dân trí) - Đầu tiên phải khẳng định rằng người viết rất tôn trọng tự do tín ngưỡng và nhận thấy, hầu hết tôn giáo đều mang lại những giá trị lớn cho cuộc sống và mang đến cho con người lòng tin hướng thiện.

Sự cứu rỗi con người chính là lao động, lương thiện và vị tha - 1

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, liên tục có những thông tin về Hội Thánh Đức Chúa Trời đang khiến xã hội hoang mang, lo ngại. Không ít tờ báo uy tín đã gọi tổ chức này là “tà đạo” và những người tham gia được coi là “nạn nhân”.

Qua tìm hiểu thì tổ chức này đã xuất hiện tại nhiều địa phương, trong đó có cả những thành phố lớn, các trung tâm kinh tế - xã hội. Đối tượng tham gia phần lớn là sinh viên, phụ nữ và những người nghèo.

Nói cho cùng, bất cứ ai cũng sẽ có những thời điểm gặp khó khăn trong cuộc sống, cảm thấy mệt mỏi và cần một nơi để bấu víu lòng tin. Niềm tin tôn giáo, trong nhiều trường hợp mang đến sự an ủi, vỗ về và thậm chí là có thể tiếp thêm nghị lực sống. Ở nước ta, tín đồ của các tôn giáo và những người không theo tôn giáo sống hoà thuận, gắn kết bền chặt.

Thế nhưng, theo VOV ngày 24/4, tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời lại gây mâu thuẫn gia đình (không sinh hoạt vợ chồng), xung đột văn hóa (gỡ bỏ bàn thờ tổ tiên), có dấu hiệu lôi kéo, tuyên truyền mê tín dị đoan (thế giới tận thế, sớm về thiên đường để hưởng sung sướng)…

Cùng với đó, hội này đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá trái pháp luật, chia rẽ tôn giáo làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hoạt động nhiều năm tại Việt Nam nhưng tổ chức này và những người tham gia vẫn đang truyền đạo trong diện “chưa hợp pháp”.

Một cảm giác thật xót xa khi những bậc làm cha, làm mẹ bất lực không thể níu giữ được bước chân của con mình, khi sợi dây máu mủ ruột rà bị cắt đứt, khi những giá trị về tình yêu, tình thân bị làm cho xô lệch… Biết bao giọt nước mắt đã rơi, biết bao gia đình ly tán.

Tự hỏi, liệu có tôn giáo chân chính nào lại đẩy con người vào bước đường như thế chỉ để thoả mãn đức tin, để được lên thiên đường, hưởng một cuộc sống kiếp sau sung sướng đầy vị kỷ hay chăng?

Chưa kể, tổ chức này có những yêu cầu mới nghe đã thấy vô lý như: Người tham gia mỗi ca nghe giảng đạo 2 giờ nộp 50.000 đồng; có những người tham gia một ngày 3 ca thì nộp 150.000 đồng... Hàng tháng, các tín đồ còn phải nộp 1/10 thu nhập của mình nếu đang có công ăn việc làm ổn định.

Những người ở lại với “Hội thánh” thì sẽ được Trưởng phó nhóm bố trí hằng ngày đi chạy xe ôm (nam giới); nữ thì đi bán bóng bay; mỹ phẩm... cuối ngày về cho tiền vào phong bì rồi nộp cho trưởng nhóm (thường là 100.000 - 200.000 đồng).

Với những thông tin này, những người bình thường nhất cũng đều cảm thấy có cái gì đó “bất minh” đang tồn tại.

Người viết xin không bàn luận thêm về giáo lý, nhưng thiết nghĩ, sự cứu rỗi con người trong những lúc khó khăn, cùng quẫn chính là lao động, lương thiện và vị tha.

Làm sao ta có thể mong một tương lai huy hoàng, sáng lạn nếu hôm nay ta từ bỏ hết quá khứ, phủi bỏ huyết thống và phủ nhận các giá trị cuộc đời thực – chính là kiếp sống này, kiếp sống hiện tại mà ta đang ngày ngày trải qua, cảm nhận bằng đầy đủ giác quan của một con người bằng xương bằng thịt?

Bích Diệp