Số thu nghìn tỷ trong 20 năm và vấn đề tác quyền
Số thu này tăng trưởng qua từng năm. Năm 2002 chỉ là 78 triệu đồng, 2012 thu 48 tỷ đồng, 2021 là 160 tỷ đồng và năm 2022 dự kiến đạt trên 230 tỷ đồng.
Nguồn thu tập trung ở một số lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn và các loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc; phát thanh và truyền hình; trực tuyến với các mảng website, ứng dụng di động, nhạc chuông, nhạc chờ...
Hồi tháng 8 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ với phóng viên Dân trí là tiền tác quyền quý II/2022 mà anh nhận được từ VCPMC khoảng 510 triệu đồng. Nam nhạc sĩ cho biết đây là số tiền tác quyền trong một quý cao nhất mà anh nhận được từ trước đến nay. Trước đó, trung bình mỗi quý, nhạc sĩ "Nhật ký của mẹ" nhận được 200 - 300 triệu đồng.
Những thông tin cho thấy vấn đề tác quyền âm nhạc đang có chuyển động tích cực, cho dù, nhiều nghệ sĩ nói rằng vẫn còn rất khiêm tốn và tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra tràn lan.
Trong cuộc trò chuyện mới đây với tôi, nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ rằng một trong những điều trăn trở nhất - lực cản lớn nhất đối với ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, chính là vấn đề tác quyền. Anh ví von, khi chúng ta mất một tài sản nào đó có giá trị, ví dụ chiếc xe máy, thì ai cũng giật mình và mọi người sẽ bàn tán về sự việc. Nhưng khi người nghệ sĩ nói "tôi mất một bài hát", có thể giá trị cao gấp nhiều lần chiếc xe máy song không mấy ai quan tâm.
Trước đây khi làm album "Tóc ngắn", nhạc sĩ Anh Quân và cộng sự chứng kiến đĩa lậu bán cả triệu bản trên thị trường, còn anh thu không được bao nhiêu. Theo anh, cho dù quyền tác giả đã có cải thiện đáng kể nhưng một bài hát bị "mất" thì "tìm" lại sẽ rất khó khăn. Chuyện mất tài sản này không chỉ do đơn vị tổ chức chương trình hay ca sĩ nào đó sử dụng bài hát song "quên" tác quyền, mà còn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng trực tuyến hay các quán karaoke…
Nhìn chung, từ pháp luật tới văn hóa đều có vấn đề trong câu chuyện tác quyền với loại tài sản đặc thù này.
Công chúng trong đó có tôi thường chỉ hình dung về ngành công nghiệp âm nhạc với những điều đẹp lung linh trên sân khấu, nhưng ít để ý đằng sau vận hành ra sao. Cho đến khi ngồi lại với những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này, tôi mới hiểu rằng làm nhạc có rất nhiều công đoạn lao tâm khổ tứ.
Ở những nước có thị trường âm nhạc phát triển, nghệ sĩ được trả tiền bản quyền minh bạch mỗi khi các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm âm nhạc của họ. Nhờ vậy, họ có thu nhập ổn định và không cần "chạy show" quanh năm. "Tiền thu từ bản quyền, từ bán đĩa sẽ giúp người nghệ sĩ quay vòng với sáng tác mới, còn nếu cứ phải chạy tour nọ tour kia thì sẽ không còn nhiều thời gian và mất cảm hứng sáng tác", nhạc sĩ Anh Quân nói.
Tình yêu âm nhạc của người Việt Nam rất lớn, thậm chí có nhận xét là hơn cả tình yêu với bóng đá. Chúng ta dễ dàng thấy rằng âm nhạc hiện diện khắp mọi nơi trong đời sống, các quán karaoke mọc lên từ đô thị cho tới thôn quê. Thị trường âm nhạc "khổng lồ", nhưng đây là thị trường tồn tại thói nghe nhạc miễn phí; lượng khán giả sẵn sàng bỏ tiền ra để mua, để xem, để sử dụng sản phẩm âm nhạc chất lượng và có bản quyền không nhiều.
Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến các nghệ sĩ trong nước, mà còn gây "tiếng xấu" ra bên ngoài. Các nghệ sĩ lớn, ban nhạc quốc tế nổi tiếng thường ít chọn Việt Nam làm điểm lưu diễn chính vì câu chuyện nêu trên.
Làm việc lâu năm trong ngành xuất bản, tôi nhìn thấy tình trạng vi phạm bản quyền cũng diễn ra hàng ngày ở lĩnh vực này tương tự như thị trường âm nhạc. Một cuốn sách bán chạy, ngay lập tức bị sao chép bằng hình thức scan, photo, ấn bản e-book bán ra thị trường với chất lượng kém "sách thật", nhưng do giá rẻ hơn nên vẫn thu hút được nhiều người mua. Điều tệ hơn là chúng tôi không có một trung tâm bảo vệ quyền tác giả mà thường phải tự nỗ lực - nhiều khi là vô vọng, trong việc bảo vệ tác quyền.
Việt Nam đã có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, xác định mục tiêu doanh thu của các ngành liên quan đóng góp 3% cho GDP, tạo thêm nhiều việc làm và đưa xã hội trở nên văn minh hơn. Đây là chiến lược đúng. Nhìn ra thế giới, đơn cử như Hàn Quốc, quốc gia châu Á nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng từ những năm 1990, và ngày nay phim ảnh, ca nhạc Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường quốc tế rất thành công; từ đó họ tạo hiệu ứng phát triển mạnh mẽ du lịch, ẩm thực, trang phục, mỹ phẩm... mang thương hiệu Hàn Quốc.
Vấn đề đặt ra là ngành công nghiệp văn hóa chỉ có thể phát triển dựa trên sự sáng tạo và bảo vệ bản quyền trí tuệ. Trong lĩnh vực xuất bản, Việt Nam ký và tham gia Công ước Berne về bản quyền năm 2004, và rồi nhờ đó nền xuất bản thay đổi mạnh mẽ khi thế giới chấp nhận làm việc với những đơn vị như chúng tôi.
Giờ đây, nền xuất bản và các ngành công nghiệp văn hóa khác, bao gồm cả âm nhạc, đang cần những hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, tuân thủ những luật chơi văn minh hơn để phát triển trong bối cảnh mới. Và tác quyền chính là một trong những động lực mạnh mẽ nhất cho sáng tạo, cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa.
Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!