Trung tâm tác quyền âm nhạc đã thu hơn 1.000 tỷ đồng

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, sau 20 năm thành lập (2002- 2021) phía trung tâm đã thu được 1.063 tỷ đồng phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc.

Ngày 20/9, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gặp gỡ báo chí nhân kỷ niệm 20 năm thành lập với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ.

Tại sự kiện, đại diện trung tâm cho biết tổng số tiền VCPMC thu được từ khi thành lập đến nay tăng trưởng qua từng năm. Trong đó, năm 2002 là 78 triệu đồng, 2012 thu 48 tỷ đồng, 2021 là 160 tỷ đồng và năm nay dự kiến đạt trên 230 tỷ đồng - chạm mục tiêu đã đề ra là 10 triệu USD/năm.

Trung tâm tác quyền âm nhạc đã thu hơn 1.000 tỷ đồng - 1

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc VCPMC chia sẻ tại sự kiện sáng 20/9 tại Hà Nội (Ảnh: VCPMC).

Theo ông Đinh Trung Cẩn - tổng giám đốc VCPMC, nguồn thu tập trung ở một số lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn và các loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc; phát thanh và truyền hình; trực tuyến với các mảng website, ứng dụng di động, nhạc chuông, nhạc chờ...

Liên quan tới tiền tác quyền thu được từ các dòng nhạc, ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm này cho biết mỗi dòng nhạc khác nhau cũng đem lại số tiền tác quyền không giống nhau.

Cụ thể như các tác phẩm thuộc dòng nhạc cách mạng, truyền thống, có sức sống lâu bền với khán, thính giả nên tác quyền thu được từ dòng này khá ổn định. Dòng nhạc thị trường, nhạc nhẹ thì có sự trồi sụt rất rõ rệt tùy theo sức nóng của tác phẩm.

Có những bài "hot" có tác quyền tăng rất nhanh nhưng thời gian kéo dài không lâu và nhanh chóng sụt giảm. Cũng theo lãnh đạo của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thì dòng nhạc giao hưởng, nhạc không lời hiện nay tiền tác quyền thu được đang khiêm tốn nhất.

Trung tâm tác quyền âm nhạc đã thu hơn 1.000 tỷ đồng - 2

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết năm 2021, anh nhận 1,2 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc (Ảnh: VCPMC).

Tác giả Nhật ký của mẹ - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vẫn tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về số tiền bản quyền thu được hàng năm. Chia sẻ tại sự kiện, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, anh tham gia Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam từ năm 2006. Khi ấy tiền tác quyền nhận được là 9 triệu đồng và đến năm 2021, số tiền nhận được là hơn 1,2 tỷ đồng.

Nhạc sĩ Hoài An cho biết anh là một trong số những nhạc sĩ đầu tiên ký hợp đồng với VCPMC. Qua những con số thực tế, anh thấy quyền lợi của mình được đảm bảo, thậm chí hơn mức mong đợi. Với cá nhân anh, số tiền thu được đến nay gấp vài trăm lần so với thời kỳ đầu.

"Quan trọng nhất là người làm sáng tạo phải yên tâm với cuộc sống của mình. Đối với người làm sáng tạo, việc tự mình phải đi lấy tiền bản quyền, gặp gỡ các trung tâm họ sử dụng nhạc của mình nhưng không có thiện chí thì rất đau lòng. Tôi từng gặp trường hợp khó chịu đến mức muốn bỏ luôn. Khi có VCPMC thì tôi không cần làm việc đó", anh chia sẻ.

Nhạc sĩ Giáng Son cũng chia sẻ: "Cách đây gần 20 năm tôi ký hợp đồng với VCPMC. Những năm đầu thì tôi nhận cũng ít thôi, càng về sau tiền bản quyền được nhiều hơn. Tôi rất vui".

Nhạc sĩ - họa sĩ Văn Thao (con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - PV) cho biết, ngay từ khi VCPMC thành lập, gia đình ông đã đăng ký chuyển giao tất cả tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao.

"Gia đình chúng tôi là một trong những gia đình đầu tiên đăng ký chuyển giao tất cả tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao cho VCPMC. Nếu không có trung tâm, chắc rằng các nhạc sĩ hầu như không đòi được tác quyền, nếu có thì cũng bèo bọt, rẻ mạt thậm chí còn bị xử phạt khi mình đi đòi", ông bộc bạch…

Trung tâm tác quyền âm nhạc đã thu hơn 1.000 tỷ đồng - 3

Nhạc sĩ - họa sĩ Văn Thao xúc động khi nhắc đến người cha đã khuất (Ảnh: VCPMC).

Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, tính đến tháng 9-2022, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thông qua các thỏa thuận này, Trung tâm hiện đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 4 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại các quốc gia tham gia ký kết.

Hiện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với hơn 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc như: biểu diễn nghệ thuật, phát thanh- truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, website và app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, resort, nhà hàng, phòng karaoke, quán bar, cà phê, phòng trà, siêu thị, cửa hàng, rạp chiếu phim…