Phải nói rõ "chúng ta" là những ai đã phá rừng làm thủy điện?

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn sẽ là điểm nóng nghị trường, bởi vì sự xuất hiện của vị bộ trưởng này ngay sau khi cơn hồng thủy vừa xảy ra tại miền Trung, gây ra thiệt hại rất lớn chưa thể tính hết về người và của.

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 
Có thể sẽ có những biện luận rằng, lũ là do thiên tai. Nhưng dân chúng hôm nay không nhìn lũ theo trời mà nhìn qua việc làm của con người, tên thường gọi đó là “nhân tai”.

 

Nhân tai ở đây là nạn phá rừng. Trịnh Công Sơn từng tiên tri về chuyện này với ca khúc “Rừng xưa đã khép”. Không sai, rừng ngày xưa nay về cơ bản đã hết sạch rồi. Và đó là căn nguyên cho những cơn lũ khủng khiếp đổ về, tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, công trình như đã xảy ra.

 

Trong muôn triệu khối nước đổ về miền hạ du và đồng bằng có biết bao nhiêu khối nước xả ra từ các công trình thủy điện. Vậy thì, thủy điện có hai “tội ác”, một là xả lũ và hai là phá rừng.

 

Mỗi một công trình thủy điện mọc lên, có biết bao nhiêu cánh rừng đầu nguồn, rừng quốc gia bị san bằng?

 

Có thể sẽ có lời biện luận rằng, thủy điện là do Bộ Công thương, do quyết định của các địa phương, không phải của Bộ Nông nghiệp và Phát  triển Nông thôn. Nhưng sẽ không thể không nói đến trách nhiệm của ngành nông nghiệp, bởi lẽ rừng là do chính ngành này quản lý.

 

Nếu như ngành nông nghiệp kiên quyết bảo vệ rừng bằng chính sự quyết tâm, bằng tầm nhìn xa rộng, bằng sự chứng minh về hậu quả mà các cơn lũ gây ra về sau thì sẽ không thể có những dự án thủy điện dễ dàng được thực hiện.

 

Nên nhớ rằng, có rất nhiều quan điểm từ phía dư luận, từ các chuyên gia ủng hộ bảo vệ rừng và chống xây dựng công trình thủy điện. Có rất nhiều  tiếng nói cảnh báo về một hậu quả khôn lường do lũ lụt mang đến.

 

Nhưng tất cả đều bỏ ngoài tai. Sự tồn tại của 15 công trình thủy điện tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và hàng chục công trình thủy điện khác khắp cả nước tất nhiên có sự “gật đầu” hoặc chí ít là im lặng của ngành nông nghiệp.

 

Chính vì thế, khi trả lời các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”. 

 

Thấy chưa, rõ ràng theo ý tứ của ông Vũ Huy Hoàng, đó là  không phải chỉ riêng ngành của ông quản lý phải chịu trách nhiệm về thủy điện, mà là “chúng ta”.

 

Chúng ta ai vậy? Xin trả lời thật nhanh rằng trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 

Theo thống kê diện tích rừng bị mất do làm thủy điện, thủy lợi trung bình 14,5ha/MW ở Tây Nguyên và khoảng 16,5ha/MW ở lưu vực sông Đồng Nai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa sức để làm phép cộng để tính ra bao nhiêu hecta rừng bị mất đi khi xây dựng các dự án thủy điện, nhưng đã không có  hành động để ngăn chặn.

 

Cử tri rất mong các đại biểu Quốc hội chất vấn chỉ ngần ấy việc thôi.

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!