Những lời “trung ngôn” của TS Lê Kiên Thành

(Dân trí) - “Cái mà chúng ta chưa làm được lớn nhất, đáng lo nhất trong thời gian vừa qua không phải là ở kinh tế, mà ở việc xây dựng con người! Tôi xin nói thẳng đó là sự thất bại, chứ không phải sự xuống cấp, suy đồi, như trong dự thảo!”.

 

Những lời “trung ngôn” của TS Lê Kiên Thành - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là nhận xét của TS Lê Kiên Thành đối với bản Dự thảo báo cáo chính trị của BCH TW khóa XI cho Đại hội khóa XII được đăng trên Vietnam Net ngày 5/10, bài “Tôi bàng hoàng tự hỏi: Chẳng lẽ đây là người Việt Nam ta?”.

Có thể những lời “trung ngôn” của con trai cố TBT Lê Duẩn sẽ làm ai đó “nghịch nhĩ” nhưng khó có thể nói khác, đây là ý kiến trung thực, khách quan và thẳng thắn.

Nhớ lại cách đây khoảng 40 – 50 năm, trong tầm nhìn chiến lược, Đảng và Nhà nước Việt Nam khi đó đã nhìn rõ vấn đề cốt lõi này và quyết tâm xây dựng con người mới Xã hội chủ nghĩa lý tưởng.

Đó là con người biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, biết gắn bó thương yêu gia đình, bè bạn và cộng đồng. Đó là con người biết “mình vì mọi người, mọi người vì mình”…

Thế nhưng thời thế thay đổi, ý tưởng trên chưa được thực hiện trọn vẹn hay nói cách khác, hình tượng con người mới chưa thấy đâu thì những phẩm chất tốt đẹp của con người truyền thống lại bị mai một đi không ít.

Con người Việt Nam hôm nay dường như vô cảm hơn, cam phận hơn, ít nhân văn hơn? Tầng lớp trí thức cũng ít dũng khí hơn...!?

Thay vào đó là sự bàng quan, là tính tư lợi và cả những hành động tội ác ngày càng tăng với mức độ tàn bạo, đặc biệt là những vụ thảm sát hàng loạt có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Ở tầng lớp cán bộ công chức, nơi nắm giữ cương vị điều hành, quản lý xã hội là sự thoái hóa, biến chất của “một bộ phận không nhỏ” mà ở đó là sự dối trá được cụ thể bằng các hành động tham ô, tham nhũng, chạy chức, mua quyền và nhận hối lộ.

Sự dối trá ở đây đã trở thành “mối nhục lớn” như lời của GS Hoàng Tụy.

Cách đây mấy năm, Nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên đại biểu Quốc hội khoá X kể lại câu chuyện nơi nhà ông có cậu bé đang học lớp 2 (tức là 7 - 8 tuổi). Mỗi buổi sáng, mẹ cậu thường cho cậu 5 ngàn đồng ăn quà. Thế nhưng mấy bữa liền, cậu nằng nặc đòi xin 7 ngàn đồng. Người mẹ dỗ dành, tra hỏi mãi, cu cậu mới khai lý do là "biếu bạn lớp trưởng để khỏi bị mách cô giáo khi mắc lỗi".

Một chuyện tưởng chừng như rất đơn giản nhưng đằng sau nó ẩn chứa một thông điệp hết sức đáng lo ngại. Việc làm của hai cậu bé tuy vô thức nhưng đã chứa đựng đầy đủ hành vi của một tội hình sự có tên là "hối lộ và nhận hối lộ" có mức án có thể đến cao nhất.

Song, thật là kinh hoàng khi mới 7 - 8 tuổi nhưng các em đã ý thức rằng kẻ làm quan (dù chỉ là lớp trưởng lớp 2) thì được quyền nhận biếu xén và kẻ là dân (học sinh) thì phải có trách nhiệm cống nạp.

Về cậu bé đưa tiền, em đã ý thức được thân phận “thần dân”, con sâu, cái kiến. Còn em lớp trưởng, tuy còn rất nhỏ nhưng em đã ý thức được “vị thế’ quan lại của mình. Bao che cho tội lỗi để nhận cống nạp.

Cái tư duy cống nạp và nhận cống nạp đã hình thành như một bản năng từ thủa ấu thơ chính là nguy cơ tiềm tàng, hủy hoại nền tảng đạo đức thế hệ mai sau.

Các em không có lỗi. Tội là ở người lớn chúng ta mà các em chính là nạn nhân bi thương. Chúng ta sẽ còn phải trả giá rất đắt cho những tiêu cực của ngày hôm nay ở các thế hệ tương lai.

Nếu cần “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” thì cũng có nghĩa, mất mát về tài sản, nếu có chính sách đúng, chúng ta có thể lấy lại được trong vòng 10 năm còn mất mát về con người, chúng ta phải mất cả trăm năm.

Vì vậy, TS Lê Kiên Thành đã có lý khi thẳng thắn bày tỏ và kiến nghị:

“Nhìn vào xã hội chúng ta đang sống trong những năm vừa qua, với cách đánh giá và xác định nhiệm vụ “xây dựng con người” ở vị trí cuối cùng trong 6 nhiệm vụ quan trọng này, theo tôi, dự thảo đã đặt ở vị trí không thỏa đáng.

Đảng ta đang khẳng định sự lãnh đạo của mình thì Đảng phải xông vào việc đó, chứ không thể chỉ có vài ý kiến nhạt nhòa như trong dự thảo”.

Hi vọng rằng những lời “trung ngôn” của TS Lê Kiên Thành sẽ được lắng nghe!

Bùi Hoàng Tám