Người Việt "lười" đeo dây bảo hiểm khi đi ô tô?

Phạm Trung Tuyến

(Dân trí) - Tôi chưa từng gặp một người lái xe nào ở Việt Nam nhắc hành khách thắt dây an toàn. Và khi tôi hỏi, nhiều câu trả lời được đưa ra

Người Việt lười đeo dây bảo hiểm khi đi ô tô? - 1

Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông khiến nạn nhân thiệt mạng một cách thảm khốc vì không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ôtô. Điều đó cho thấy, cái dây an toàn, vẫn bị coi là phụ kiện thừa thãi trên chiếc xe, đối với số đông ở Việt Nam.

Có lẽ vì ngại sự vướng víu, có lẽ vì thói quen đi chặng ngắn, có lẽ vì thường vội vàng, có lẽ chỉ đơn giản là lười thực hiện thêm một thao tác mà rất nhiều người bỏ qua việc thắt dây an toàn khi ngồi trên xe. Thậm chí, không ít tài xế sẵn sàng bỏ ra một chút tiền để mua một cái móc cài nhằm đánh lừa hệ thống cảm biến nhắc đeo dây an toàn của những chiếc xe. Vì sao người ta lười thắt dây bảo hiểm đến thế? Đó là điều tôi đã cố tìm hiểu nhưng thực sự chưa thể giải thích được một cách cặn kẽ.

Tôi chưa từng gặp một người lái xe nào ở Việt Nam nhắc hành khách thắt dây an toàn. Và khi tôi hỏi, nhiều câu trả lời được đưa ra. Người này bảo không muốn hành khách khó chịu vì bị nhắc nhở. Người kia nói quan trọng gì đâu, đã tai nạn thì kiểu gì chẳng chết. Điều này rất khác mỗi khi tôi lên xe ở nước ngoài, dù ở châu Âu, hay những nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Trung Quốc. Đa số tài xế sẽ nhắc, vì sự an toàn, vì không muốn bị phạt. Một số người không nhắc mà chỉ đơn giản là không vào số khởi hành khi hành khách chưa thắt đủ dây an toàn.

Sự khác nhau ở đây là gì? Lỗi không thắt dây an toàn ít bị xử phạt vì khó quan sát, và chế tài tương đối thấp. Truyền thông về hiệu quả bảo vệ mạng sống của chiếc dây an toàn chưa đủ tốt. Tâm lý ngại nhắc nhở người khác của những người lái xe.

Là nhà báo, tôi quan sát thấy rằng trên hệ thống truyền thông công cộng về an toàn giao thông ở Việt Nam có rất nhiều thông điệp, nhưng thông điệp về tác dụng của dây an toàn hầu như vắng bóng. Rất ít người tiếp cận được những con số thống kê khoa học về tác dụng của dây an toàn. Rất ít người biết được hàng chục nghìn người Mỹ đã thoát chết trong các vụ tai nạn giao thông nhờ có dây an toàn. Hầu như không ai trả lời ngay lập tức được một cách cụ thể về khả năng triệt tiêu quán tính của chiếc dây an toàn khi xe bị dừng đột ngột. Vậy thì điều này có thể thay đổi không?

Một cách trực quan, tôi tin rằng sau những vụ tai nạn thương tâm vừa qua, khi nguyên nhân được chỉ ra bao gồm việc không đeo dây an toàn, điều đó sẽ tác động đến nhận thức của công chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng công chúng dễ quên, nhất là trong một thế giới ngập tràn thông tin như hiện nay. Nên tôi cho rằng, đã đến lúc cần có những giải pháp kiên trì hơn.

Những chiếc tem in thông tin về tác dụng của việc thắt dây an toàn nên được in sẵn để dán ở vị trí dễ nhìn của hành khách trên xe. Mỗi khi xe đăng kiểm, việc kiểm tra, bổ sung những chiếc tem ấy cần được coi là tác vụ bắt buộc. Luật bảo hiểm nên quy định, việc chi trả bảo hiểm cho tai nạn giao thông sẽ không thực hiện nếu nạn nhân không đeo dây an toàn.

Đã đến lúc cần có những tác động trực diện hơn đối với thói quen thắt dây an toàn của người ngồi ô tô, đặc biệt là khi những tuyến đường cao tốc đã trở nên phổ biến.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.