Xe gặp sự cố nổ lốp trên cao tốc, xử lý thế nào?
(Dân trí) - Những tình huống bất ngờ và sự chủ quan, bất cẩn chính là mối đe dọa lớn nhất đối với người tham gia giao thông. Trong đó, thói quen không thắt dây an toàn có thể phải trả giá bằng cả tính mạng.
Sau vụ tai nạn ô tô do nổ lốp, xe tông vào dải phân cách rồi lật ngang xảy ra vào sáng nay 29/3 trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, khiến một lãnh đạo TPHCM tử vong, người dân cả nước hết sức bàng hoàng, thương tiếc.
Sau sự việc, trên một số diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm lái xe, nhiều người đã chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng khi gặp phải tình huống tương tự. Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc cần thiết phải thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô.
Thói quen không thắt dây an toàn có thể phải trả giá bằng cả tính mạng!
Theo đó, dây an toàn được thiết kế để giữ chặt người ngồi ở ghế trước không lao lên, đập vào các bộ phận cứng trên xe (kính chắn gió, vô lăng, bảng đồng hồ... với người ngồi trước, hoặc lưng ghế trước với người ngồi sau) khi xe dừng đột ngột do xảy ra va chạm trực diện.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, người ngồi ghế trước sẽ giảm 45-50% nguy cơ tử vong nếu thắt dây an toàn, giảm 20-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng và giảm 25-75% nguy cơ tử vong và bị thương ở ghế sau.
Theo nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS), việc cài dây an toàn không chỉ cần thiết cho những người ngồi phía trước, mà cả cho người ngồi hàng ghế sau, bởi ít người chú ý rằng nếu không cài dây an toàn, người ngồi ở ghế sau có thể làm thương, thậm chí gây thương vong cho người ngồi ghế trước khi xảy ra va chạm, vì theo quán tính người ngồi sau sẽ lao mạnh về phía trước, đẩy người ngồi trước lao vào tay lái, trụ A hay điểm va chạm phía trước, gây nguy cơ gặp chấn thương nhiều hơn.
Dây an toàn và túi khí là hai bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống công nghệ an toàn thụ động trên ô tô. Khi những công nghệ an toàn chủ động như cảnh báo va chạm, phanh chủ động, hỗ trợ phanh, khung xe hấp thụ lực... đều đã trở nên vô nghĩa, thì dây an toàn và túi khí là cơ hội cuối cùng để bảo vệ an toàn cho người trên xe. Nhưng số người hiểu được vấn đề này lại không nhiều.
Bạn đọc Minh Tuấn cho biết: "Ở Đức, đối với xe 5 chỗ, ngay khi bước lên xe, chưa nổ máy, 100% người dân sẽ thắt dây an toàn ở ghế lái và ghế phụ. Khi chạy trong phố, 50% thắt dây an toàn ở hàng ghế sau, và điều này là 90% khi chạy trên cao tốc. Mặc dù, luật bắt buộc bất kể hàng ghế nào, đã lên xe là phải thắt dây an toàn.
Tôi lái xe ở cả hai nơi, luôn có thói quen thắt dây an toàn trong suốt quá trình tham gia giao thông và thường xuyên nhắc nhở người ngồi bên cạnh thắt dây an toàn, nhưng thường được nghe người ta nói "ở đây không có công an" là đủ hiểu ý thức của họ và trách nhiệm với tính mạng của bản thân một số người ở Việt Nam như thế nào!".
Cho rằng một trong những lý do mà người dân chưa tự giác thắt dây an toàn khi lên xe cũng do chế tài xử phạt quá nhẹ, bạn đọc Thanh Huyền cho rằng: "Phần nhiều cũng vì chẳng ai bị phạt , hoặc mức phạt quá nhẹ nên người dân vẫn xem thường. Bên Mỹ mà bị cảnh sát ngừng xe vì bất kỳ lý do gì mà họ không thấy thắt dây an toàn là chắc chắn nhận giấy phạt, trước các lễ lớn thường có các khuyến cáo trên xa lộ như "thắt dây hay giấy phạt" (click it or ticket). Hãy bắt đầu từ trẻ em, xe sẽ không chạy nếu một người trong xe không cài dây an toàn".
Bình tĩnh để xử lý mọi sự cố
Chia sẻ kinh nghiệm cầm lái 40 năm, bạn đọc Quốc Anh viết: "Cứ đi cao tốc mà xe không may nổ lốp thì xe nào cũng đều nguy hiểm cả. Mọi người ngồi ghế sau nên thắt dây an toàn vào, phòng các trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhờ đó chúng ta có thể giảm thiểu phần chấn thương.
Tôi đã có thâm niên hơn 40 năm lái xe, cũng từng bị nổ lốp 6 lần khi đang chạy trên cao tốc với vận tốc 100 - 120 km/h, muốn chia sẻ với các bạn rằng:
Khi bị nổ lốp trên cao tốc (chạy với vận tốc cao), tài xế phải bình tĩnh, giữ vô lăng cho xe không chao đảo hoặc chuyển qua làn khác và buông chân gas ngay để xe tự giảm tốc, chứ không được đạp thắng (đạp thắng gấp sẽ bị lật). Đến khi xe đã chậm lại, thì mới cho xe tấp vào lề đường".
Một "bác tài" đầy kinh nghiệm cũng có những chia sẻ rất hữu ích: "Khi xe ô tô bị nổ lốp để an toàn người lái hãy xử lý theo các bước sau: Đầu tiên là giữ chặt vô lăng và hướng cho xe đi thẳng. Khi ô tô bất ngờ bị nổ lốp, xe sẽ rất chao đảo. Do đó người lái cần giữ chặt vô lăng cho xe tiếp tục đi thẳng. Nếu xe bị lệch, kéo sang một bên hãy bẻ lái hướng ngược lại để xe đi đúng vào làn đường của mình, hạn chế tình trạng xe lao ra dải phân cách hay lấn sang làn xe khác.
Sau đó, từ từ giảm nhẹ chân ga. Khi ô tô bị nổ lốp xe sẽ bị xóc rất mạnh. Do đó cần phải kiểm soát tốc độ xe. Bước xử lý khi xe bị nổ lốp tiếp theo là giảm nhẹ chân ga. Tuyệt đối không lập tức nhả chân ga mà hãy nhả từ từ.
Sau khi từ từ nhả nhẹ chân ga, tốc độ giảm hãy bắt đầu rà phanh để giảm tốc độ.
Khi đã kiểm soát được tình hình hãy bật đèn khẩn cấp để báo hiệu các xe phía sau. Tiếp đến quan sát rồi cho xe tấp vào lề, dừng đỗ ở vị trí an toàn. Tuyệt đối không dừng xe giữa đường nếu xe có thể di chuyển được".
Tại Việt Nam, Điểm p, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển xe ô tô trên đường.
Trong khi đó, việc xử phạt hành chính đối với việc người ngồi hàng ghế sau không cài dây an toàn đã được áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy trên đường; và mức phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.