Ngăn chặn bạo lực từ những trang sách

(Dân trí) - “Cá nhân tôi không chấp nhận người lớn mang những khoái cảm về tình dục, về sự tàn bạo và thô thiển vào những câu chuyện của con trẻ. Họ hoàn toàn có thể viết để giải tỏa ẩn ức (tình dục hay bạo lực) và đợi sự đón nhận, phán xét của độc giả trong những câu chuyện dành cho người lớn. Còn với con trẻ, không được phép làm như vậy”- nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhận định như vậy.

(Ảnh minh họa - Ngọc Diệp)

(Ảnh minh họa - Ngọc Diệp)

Khó có thể tưởng tượng được khi đọc sách dành cho trẻ con, nhưng lại có quá nhiều hình ảnh bạo lực và sex. Nhiều đoạn văn đọc xong, người lớn còn phải sợ hãi vì tính bạo lực của nó. Ví dụ: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”. Có lẽ người viết tưởng rằng, con trăn là quái vật, cho nên phải tả cảnh giết nó tàn bạo như vậy mới tương xứng với “ngữ cảnh”. Nhưng người viết quên một điều, họ đã tiêm nhiễm vào đầu óc thơ ngây của đứa trẻ sự giết chóc, trả thù hung ác, bạo lực.

Các chuyên gia tâm lý đã dựa trên các công trình nghiên cứu và đã đưa ra nhiều kết luận rằng, trẻ em bị ảnh hưởng rất nặng nề khi đọc, xem, nhìn những hình ảnh bạo lực. Về sau sẽ bị tổn thương tâm lý, dễ bị kích động, dẫn đến hành vi bạo lực.

Gần đây, những ý kiến phản đối về lễ hội chém lợn cũng có cảnh báo về việc cho trẻ em tham dự và chứng kiến cảnh giết lợn, máu me, đó là kích động tính ác trong trẻ em. Đọc văn có bạo lực cũng nguy hiểm như xem cảnh bạo lực.

Cùng với bạo lực là sex, có quá nhiều hình ảnh sex, văn sex trên các tác phẩm dành cho trẻ em. Nhiều câu từ mang tính chất khiêu dâm, gợi dục và thô tục được sử dụng tùy tiện, cộng với hình ảnh hở hang, nhất là trong truyện tranh. Trẻ em chưa phải là đối tượng giáo dục giới tính, nếu cần thiết phải giáo dục giới tính thì phải có giáo trình giảng dạy khoa học, người dạy phải có chuyên môn tâm lý sư phạm. Nếu “giáo dục” giới tính qua truyện thì rất dễ bị lệch lạc.

Văn hóa đọc không phải là kêu gọi đọc nhiều mà nội dung gì mới là “văn hóa”. Sách dành cho trẻ em phải có nội dung, ngôn từ và hình ảnh phù hợp. Các em đọc sách để có vốn tiếng Việt phong phú nhưng trong sáng, có kiến thức về địa lý, lịch sử, văn học, khoa học; có tấm lòng nhân ái, có tình yêu thiên nhiên và yêu quê hương đất nước.

Viết sách cho thiếu nhi phải có trách nhiệm, nếu không thì có thể gây tác động xấu cho thế hệ trẻ, bạo lực học đường, bạo lực xã hội hôm nay đã quá đủ cho chúng ta phải suy tư và tìm cách ngăn chặn, đừng tiêm nhiễm thêm nữa. Nhưng có nhiều người viết và nhà làm sách chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận, chưa có trách nhiệm đối với trẻ em.

Viết và làm sách cho thiếu nhi hay, vừa có đóng góp cho xã hội nhưng cũng có hiệu quả về kinh doanh, tại sao không làm?

Sách có chất lượng tri thức và văn hóa sẽ góp phần ngăn chặn bạo lực.

Lê Chân Nhân


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!