Mẹ nhường khố cho Thạch Sanh và Trăn tinh bị chém “phọt óc chết tươi"
(Dân trí) - Dị bản trong câu chuyện Thạch Sanh ở cuốn sách do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản đã có tình tiết Thạch Sanh được mẹ nhường chiếc khố duy nhất và chém trăn tinh vỡ đầu, phọt óc gây nhiều băn khoăn cho các bậc phụ huynh.
Mới đây, nhiều phụ huynh tỏ ra ngạc nhiên khi phát hiện chi tiết lạ trong câu truyện cổ tích Thạch Sanh được in trong tập Truyện cổ tích Việt Nam gồm những tác phẩm chọn lọc cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng tái bản 10/2014. Cuốn sách này do nhóm tác giả sưu tầm và tuyển chọn, do ông Trần Đình Nam làm chủ biên.
Cuốn sách có "dị bản" về câu chuyện Thạch Sanh
Cuốn sách do nhóm tác giả sưu tầm và tuyển chọn
Tại trang 40 của cuốn sách có đoạn: “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm. - Nói rồi, bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: - Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc. Rồi bà tắt thở.
Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xé một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế.”
Tiếp đó, trong đoạn miêu tả Thạch Sanh giết trăn tinh viết: “Thạch Sanh vung búa đánh nhau với trăn tinh suốt một ngày một đêm không phân thắng bại. Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi.”
Anh Dương Hiệp (ở Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Việc thêm tình tiết mẹ nhường chiếc khố duy nhất cho Thạch Sanh không hợp lý, hơn nữa, việc dùng ngôn từ miêu tả mang tính bạo lực về cuộc chiến với Trăn Tinh không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi”.
Cùng quan điểm trên, chị Minh Nguyệt (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Thiếu gì cách tưởng tượng để miêu tả mà phải đưa cảnh vỡ đầu, phọt óc vào sách của trẻ nhỏ”.
Đoạn trích Thạch Sanh được mẹ nhường khố
Đoạn trích dùng từ ngữ bạo lực miêu tả cảnh Thạch Sanh giết trăn tinh
Về chi tiết Thạch Sanh được mẹ nhường khố, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng,đây là một sự vụng về trong biên soạn, việc nhường y phục cho người khác (cho con, cho bạn…) là một mô típ sẵn có trong kho tàng truyện kể dân gian và người kể truyền miệng có thể dùng. Câu chuyện Chử Cù Vân nhường y phục cho con trai Chử Đồng Tử vốn đã nằm sẵn trong tâm thức dân gian. Tuy nhiên, việc ghép tình tiết này vào câu chuyện Thạch Sanh là không phù hợp. Việc trao đổi y phục giữa những người đồng giới là bình thường, nhưng sự trao đổi khác giới như cách kể ở đây lại là một điều rất vụng về, cần phải tránh.
Lê Tú