Nếu quan chức lại có “sân trước, sân sau, sân hàng xóm…”!
(Dân trí) - Một lần nữa, câu chuyện nâng khống thiết bị y tế lại làm nóng nghị trường những ngày qua. Các vụ “thổi giá” tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lại được “điểm danh”…
Tại phiên thảo luận ngày 26/10 về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng năm 2020, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thẳng thắn:
“Có một điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ, đó là có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này hình thành một mặt bằng giá máy xét nghiệm để đẩy các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác. Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người?”.
Đây là câu hỏi bức xúc của đại biểu và của cử tri không chỉ trong lĩnh vực thiết bị y tế mà nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Song, nó không mới bởi đã có nhiều nghi vấn về việc này.
Cách đây 2 năm (10.2018), phát biểu kết luận Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo: “Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”. Ông Phúc nói.
Cùng thời điểm nay, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia...”.
Hơn 1 năm trước (16.10.2019), chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhắc lại:
“Việc tham nhũng, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có. Nếu Chủ tịch, Tổng Giám đốc còn 2 hôm nữa nghỉ hưu thì đừng cố làm. Các đồng chí giàu đã giàu rồi, nghèo đã nghèo rồi, đừng cố làm rồi gây hậu quả”.
Việc lãnh đạo có “sân trước, vườn sau” đã là mối nguy hại lớn cho sự phát triển kinh tế bởi sự cạnh tranh không lành mạnh thì việc bắt tay nhau hình thành một mặt bằng giá để “để đẩy các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác”, mối nguy hại lớn hơn rất nhiều.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã rất “ma giáo” với đủ các chiêu trò mánh khóe để thao túng thị trường, vậy mà nếu họ lại liên kết với nhau dưới sự bảo trợ của quan chức thì sự nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội.
Trở lại vụ nâng khống thiết bị y tế vừa qua, xin nói thẳng là dù rất “ma quái” nhưng doanh nghiệp cũng không thể qua mặt quan chức một cách dễ dàng như vậy và việc nâng khống cũng không thể khủng khiếp như vậy nếu như không có sự “bật đèn xanh”, thậm chí thông đồng từ một số lãnh đạo có “sân sau”.
Việc lãnh đạo một số địa phương của ngành này bày tỏ sự “ngây thơ”, cho rằng “không biết giá cả” hay những biện hộ “cho mượn”, “sử dụng thử”, “chưa thanh toán tiền” hay “đàm phán lại”… chỉ là sự chống chế thô thiển.
Vì vậy, câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Sơn: “Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người?” rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Chỉ với “sân trước, sân sau, sân hàng xóm…” dân đã khổ lắm rồi. Họ còn bắt tay nhau dưới sự “điều hành” của quan chức tha hóa thì việc nâng khống giá lên hai, ba, thậm chí cả chục lần để móc túi dân không có gì lạ, phải không các bạn?