Doanh nghiệp nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 là “sân sau” của ai?
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn nêu câu hỏi về thông tin 5 doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế “bắt tay” "làm giá" máy xét nghiệm, đẩy các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ?
Đại biểu đặt vấn đề này tại phiên thảo luận ngày 26/10 của Quốc hội về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng năm 2020.
5 doanh nghiệp “bắt tay” thao túng giá máy xét nghiệm?
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2020 đã phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, cơ quan công an đã phát hiện, bắt giữ trên 258 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Cũng đề cập đến tình trạng này trong báo cáo thẩm tra cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, UB Tư pháp của Quốc hội cảnh báo, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để tham nhũng.
Dẫn chứng vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, cơ quan thẩm tra cho biết, một số lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, đã liên kết với nhà thầu để nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh…
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng, như vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội.
Nhắc lại thông tin này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh, kết quả điều tra vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội cho thấy các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh.
“Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ, đó là có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này hình thành một mặt bằng giá máy xét nghiệm để đẩy các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác. Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người?” – ông Sơn đặt vấn đề.
Đại biểu của Đà Nẵng cũng thắc mắc “tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ?”.
Chung nỗi bức xúc, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thông tin, cử tri lên án gay gắt và đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật khi các đơn vị chức năng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và các hành vi nâng khống giá các thiết bị y tế, trục lợi từ chính sách xã hội hóa về dịch vụ khám, chữa bệnh.
Ngân hàng “lắt léo” ký hợp đồng với doanh nghiệp “đòi nợ thuê”
Đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên) cho biết, tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này nhận được nhiều ý kiến của cư tri về tình trạng cho vay tín dụng đen, về sự lộng hành của các nhóm đòi nợ thuê đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo đại biểu Hiền, người dân vô cùng bức xúc trước hành động bất chấp của những dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay. Các doanh nghiệp này dù được cấp phép kinh doanh nhưng trên thực tế lại hoạt động không lành mạnh, hành vi và phương thức hoạt động mang tính chất giang hồ, nhân viên thì có thái độ rất côn đồ, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với người đang rơi vào tình cảnh nợ nần.
Trước khi dịch vụ này chính thức bị khai tử khi Luật đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, đại biểu Hiền cho rằng, sự biến tướng hiện nay của dịch vụ đòi nợ thuê đã cho thấy hiện thực không mấy tốt đẹp từ dịch vụ cho vay thông qua các công ty tài chính, trong đó có cả công ty trực thuộc ngân hàng thương mại mà lãi suất thậm chí còn cao hơn cả tín dụng đen.
“Có công ty cho vay tiền mặt, có công ty bán hàng và liên kết với các ngân hàng để cho người tiêu dùng vay tiền, mua trả góp với các điều kiện khá đơn giản. Đến giai đoạn đòi nợ, ngân hàng hay công ty tài chính sẽ ký hợp đồng với dịch vụ thực hiện việc thu hồi nợ bằng nhiều hình thức khác nhau, mức độ từ nhẹ đến nặng, từ quấy rối thông qua cuộc gọi, tin nhắn điện thoại cho tới lớn tiếng đe dọa, khủng bố tinh thần cùng với nhiều thủ đoạn…” – bà Hiền phản ánh.
Dù vậy, đại biểu Hiền nhấn mạnh, đó mới chỉ là phần ngọn, mà vấn đề thật sự cần được các cơ quan chức năng chú ý, chuyên tâm giải quyết lại chính là phần gốc, là các công ty tài chính đứng sau dịch vụ này.
Tương tự, bà Hiền chỉ ra, các dịch vụ tín dụng đen, kinh doanh đa cấp trái phép tiếp cận với người dân thông qua app điện thoại, internet hết sức dễ dàng, dù bị lên án rất nhiều trong thời gian qua nhưng cho đến nay, vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định, chế tài nào để quản lý.
“Dư luận xã hội, nhiều cử tri đã đặt ra câu hỏi, tại sao sự biến tướng chứa đựng nhiều rủi ro về mặt pháp lý từ các dịch vụ tín dụng đen hay app đa cấp này vẫn ngang nhiên diễn ra, tồn tại trong đời sống xã hội?” – bà Hiền cho biết, cử tri đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật phải có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ và Quốc hội cần phải có giám sát việc xử lý loại tội phạm nguy hiểm này.