"Mức phí chưa phù hợp với thu nhập của người dân"

(Dân trí) - Người sử dụng phương tiện cá nhân phải đóng phí là đúng, nhưng mức đóng phải phù hợp với thu nhập của người dân. Lạm phát, giả cả leo thang, làm ăn khó khăn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Tăng thêm nhiều mức phí như vậy là làm kiệt sức dân.

Mức phí chưa phù hợp với thu nhập của người dân
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Bộ GTVT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề xuất đổi tên phí lưu hành phương tiện thành phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ. Nếu các quy định được áp dụng, hơn 600.000 ôtô sẽ phải nộp thêm phí và một chiếc ô tô phải gánh từ 60 – 70 triệu đồng/năm.

Các nhà quản lý có lý lẽ của họ, đó là phải tăng các mức phí để hạn chế xe cá nhân, nhằm mục đích hạn chế kẹt xe và kéo giảm tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, lẽ ra Nhà nước cần phải thu phí lưu hành phương tiện cá nhân từ 10 năm trước. Với tình hình hiện nay, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM, nếu chúng ta không dùng các biện pháp hạn chế xe cá nhân thì tới đây sẽ không còn nơi đỗ chứ chưa nói gì đến chỗ đi lại.

Nhiều người kêu ca về phí bảo trì, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội trả lời báo chí chắc nịch: “Chạy xe làm hỏng đường thì phải trả phí bảo trì. Muốn đi đường tốt thì phải đóng góp, nhà nước không thể bao cấp hết”.

Đúng là tai nạn giao thông ở Việt Nam thuộc loại thảm họa, cần phải có biện pháp kéo giảm. Đúng là tình trạng kẹt xe ở Việt Nam  rất trầm trọng, cần phải có phương sách hạn chế. Đúng là đi đường phải đóng phí để nhà nước sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông…

Nhưng điều đáng suy nghĩ là mức phí quá cao như vậy có hợp lý không?

Người dân, doanh nghiệp đã đóng nhiều loại thuế trong đó có phần cho giao thông. Tai nạn giao thông nghiêm trọng và kẹt xe có nhiều nguyên nhân, do hệ thống cầu đường lạc hậu và ý thức của người tham gia giao thông kém, phương tiện cá nhân tăng chỉ là một trong các nguyên nhân đó.

Về cầu đường hư hỏng, nếu đổ tất cả cho ôtô, xe máy là oan ức. Rất nhiều công trình vừa nghiệm thu xong đã hỏng, nguyên nhân là do làm ăn gian dối. Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến các dự án xây dựng cho thấy rõ điều đó. Bắt dân phải gánh luôn cả “tội” rút ruột công trình của các con sâu tham nhũng nữa thì thậm vô lý.

Nhà nước đã tăng lệ phí trước bạ, phí cấp biển, phí cấp giấy đăng ký rồi thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt cho nên giá ô tô tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước. Có một lý thuyết rất vô lý, đó là đánh phí vào ô tô là nhằm vào đối tượng có thu nhập cao, nên không ảnh hưởng đến xã hội. Đây là sự phân biệt đối xử và càng không công bằng. Bởi vì người có thu nhập cao đã đóng thuế cho nhà nước, đã thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, không phải vì họ có tiền là muốn thu thế nào cũng được. Chưa kể, không phải ai sử dụng ô tô cá nhân cũng là người giàu có, nếu bắt người sử dụng  ô tô phải nộp phí với mức 5.000.000 đồng – 6.000.000 đồng/tháng thì không phù hợp với mặt bằng thu nhập của Việt Nam.

Người sử dụng phương tiện cá nhân phải đóng phí là đúng, nhưng mức đóng phải phù hợp với thu nhập của người dân. Lạm phát, giả cả leo thang, làm ăn khó khăn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Tăng thêm nhiều mức phí như vậy là làm kiệt sức dân.

Lê Chân Nhân
 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
 
Cám ơn các bạn!