Một tài năng trác việt, một tấm lòng tận tâm với Nhân tài Đất Việt đã ra đi
(Dân trí) - Cần mẫn, khiêm nhường, tận tâm và trác việt, đó là phẩm chất nổi bật của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam…
Có thể nói, ở nước ta hiếm ai có được những thành công như Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Năm 26 tuổi (1964) là Tiến sĩ khoa học Liên Xô, 30 tuổi (1968) là Giáo sư Đại học Lômônôxốp, năm 44 tuổi (1982) là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, năm 46 tuổi (1984) là Viện sĩ Viện hàn lâm Cộng hòa dân chủ Đức và Viện sĩ Viện hàn lâm Thế giới thứ Ba.
Năm 1986, với công trình khoa học nổi tiếng "Quy luật về các tính chất của các quá trình sinh nhiều hạt ở năng lượng cao", ông cùng với 5 nhà khoa học lớn khác đã được Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng Lê nin.
Về con đường chính trị, ông cũng là người thành đạt. Năm 44 tuổi, là Ủy viên Trung ương Đảng, năm 45 tuổi, là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, 6 khóa liền là Đại biểu Quốc hội.
Lần đầu tôi được gặp trực tiếp GS.VS Nguyễn Văn Hiệu khoảng gần 1/4 thế kỉ trước, khi tôi còn là phóng viên báo Nhà báo & Công luận.
Một hôm, Tổng biên tập Nguyễn Thị Vân Anh "nổi hứng" giao đi phỏng vấn GS Hiệu về điện hạt nhân, một lĩnh vực mà tôi hoàn toàn mù tịt. Tất nhiên, tôi cũng có thể hoàn thành được bài viết vì các vị biên tập của tôi cũng… mù tịt chẳng kém gì tôi. Song, nếu những người am hiểu đọc, họ sẽ không khỏi bịt mũi mà cười và người trả lời phỏng vấn chắc chắn sẽ vô cùng thất vọng.
Sau một đêm suy nghĩ, bằng sự "tinh quái" của mình, tôi đã nghĩ ra một "mưu kế" rất hợp lý. Tôi xin đến gặp Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử khi đó là PGS, TS Vương Hữu Tấn. Sau một hồi trò chuyện, tôi đặt vấn đề thẳng rằng em phải làm bài phỏng vấn cụ Hiệu mà chẳng biết phải hỏi như thế nào. Thương phận thằng em, PGS Tấn đã tận tình chỉ bảo.
Chiều đó, tôi đã vác những câu hỏi "gà bài" của Viện trưởng Tấn đến cụ Hiệu. Với bản năng nhà báo, tôi đã khiến GS Hiệu vô cùng ngạc nhiên về sự "hiểu biết sâu sắc" của tôi.
Khi cầm tờ báo, cụ càng ngạc nhiên và buột miệng hỏi: "Em cũng học ở Liên xô à?". Tôi phải thành thật thưa với GS rằng chuyện như thế, như thế… Từ đó, ông có cảm tình với tôi và từng kể với tôi về tuổi thơ, về những tâm sự và cả những trăn trở của một nhà khoa học lớn với non sông, đất nước…
Vào một buổi chiều cách đây 16 năm (3.2006), tại nhà riêng của mình, GS Hiệu đã kể cho tôi nghe về cuộc đời tuổi thơ ông (Chuyện này tôi đã đăng trên báo Dân trí ngày 3.4.2006). GS Hiệu sinh năm 1938 tại Thị xã Hà Đông trong một gia đình tri thức cách mạng. Bố ông là Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ trước 1945 và khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ làm Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa.
"Tôi sinh ra trong gia đình có 7 anh em. Năm lên 8 tuổi, tôi đã cùng với gia đình phải đi tản cư chạy giặc. Pháp đánh đến đâu thì chạy theo tới đó. Đến bây giờ, tôi không hiểu tại sao ngay từ những ngày đầu độc lập nhưng ở đâu ta cũng có trường, có lớp. Rồi tình cảm của người dân những vùng đất gia đình tôi đã đi qua. Phải nói một cách đúng mức, chúng tôi sống được là nhờ tấm lòng của bà con đồng bào những nơi mình đến. Tôi lớn lên bằng cơm độn, rau khoai lang luộc và mắm tôm trên đường chạy giặc". Ông đã nói về tuổi thơ của mình như vậy.
Khi tôi hỏi về tài năng và sự cần mẫn, GS Hiệu khiêm nhường nói rằng thành công của ông là nhờ vào sự may mắn, tính cần cù chăm chỉ và khẳng định, không có nhà nước Liên Xô, sẽ không có Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.
"Năm 1960, Nhà nước Việt Nam cử tôi sang Liên Xô nghiên cứu ở Viện Dubna. Cũng nói là nghiên cứu nhưng thực chất là đào tạo vì chúng ta chưa có bộ môn này nên chẳng mấy ai hiểu gì về nó. Tại đây, may mắn là tôi đã có được môi trường nghiên cứu tuyệt vời với những người thầy tuyệt vời. Những thành công của tôi trên con đường khoa học là nhờ Nhà nước Liên Xô và những người thầy Xô viết lỗi lạc. Tôi như tờ giấy trắng được các họa sĩ tài năng vẽ lên.
Về Giải thưởng Lê Nin, ông bảo: "Tôi chỉ là người đá quả bóng đã được đặt trước khung thành. Những nhà khoa học Liên Xô khi đó là những người lỗi lạc nhất thế giới. Trước đó, đã có bao nhiêu nhà khoa học, những công nhân lành nghề đổ công sức để làm nên cỗ máy và cỗ máy đó được giao cho 5 người chúng tôi sử dụng, điều hành".
Là nhà khoa học thành công ở nước ngoài, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu luôn trăn trở với sự phát triển khoa học trong nước. Ông cho rằng Việt Nam không thiếu tài năng, cái mà chúng ta thiếu là ý chí của cá nhân các nhà khoa học, các nhà quản lý và cách tổ chức của lãnh đạo.
Những năm sau này, khi tuổi đã cao, ông vẫn không ngừng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nhiệt tình tham gia công tác Khuyến học khuyến tài với tư cách Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Đặc biệt, ông nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhân tài đất Việt của Hội Khuyến học VN do Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập báo DÂN TRÍ, Ủy viên Ban thường vụ BCH TW Hội KHVN là Trưởng ban tổ chức Giải thưởng.
Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tài năng trác việt, vĩnh biệt một nhân cách khiêm nhường, vĩnh biệt một trái tim giàu nhiệt huyết, luôn trăn trở với sự phát triển của khoa học nước nhà.
Xin vĩnh biệt một tấm lòng tận lực, tận tâm với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt!
Bùi Hoàng Tám