1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu: Người hết lòng với tài năng Việt

(Dân trí) - Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là một nhà khoa học lớn mà tên tuổi sẽ còn mãi trong lĩnh vực khoa học năng lượng nguyên tử thế giới.

Bài viết nhỏ này ghi lại ba lần may mắn được tiếp xúc với con người tâm huyết, hết lòng hết sức với sự nghiệp nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước - Cây đại thụ của làng khoa học Việt Nam.  
 
GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu: Người hết lòng với tài năng Việt  - 1

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu (bìa phải) trao giải tại cuộc thi NTĐV

 

Cuộc phỏng vấn... "đóng thế"!

 

Trong đời làm báo, tôi sợ nhất là phỏng vấn các nhà khoa học  đầu ngành bởi mấy lẽ. Thứ nhất, họ là  những người rất kiệm lời và thường không hoạt khẩu. Thứ hai,  hình như có bao nhiêu thời gian, tâm sức họ dành hết cho khoa học nên thường hiểu biết rất lơ mơ về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thường nhật. Thế nhưng khi động đến đúng "lãnh địa" của họ, nhất là khi lại có sự hiểu biết đôi chút về lĩnh vực nghiên cứu của họ thì lập tức, họ trở nên sôi nổi như bị... lên đồng. Vì vậy, trước mỗi cuộc phỏng vấn, tôi đều chuẩn bị cho mình chút ít hành trang.

 

Nhưng với riêng Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu thì dù đã cố  gắng hết sức, tôi không thể nào hiểu dù chỉ  khái quát nhất, lơ mơ nhất về lĩnh vực khoa học mà ông dành gần trọn cuộc đời để theo đuổi. Vì vậy cách đây khoảng hơn mười năm,  khi được tòa soạn phân công phỏng vấn giáo sư Nguyễn Văn Hiệu về lĩnh vực vật lý nguyên tử, tôi đã phải dở trò "láu cá" bằng cách trước khi gặp Giáo sư Hiệu, tôi tìm cách tiếp xúc với TS. Vương Hữu Tấn (Khi đó là Viện trưởng Viện Năng lượng hạt nhân). Cuối cuộc phỏng vấn, tôi hỏi thẳng TS Vương Hữu Tấn rằng nếu phỏng vấn giáo sư Hiệu thì nên đặt câu hỏi như thế nào. Tất cả toàn bộ nội dung đó, tôi chuyển đến giáo sư Hiệu.

 

Thành thật là vì không có kiến thức về lĩnh vực đó kèm theo thời gian cũng đã lâu nên tôi không nhớ mảy may gì về nội dung của bài phỏng vấn. Tôi chỉ nhớ rằng hôm đó, tưởng tôi là người hiểu biết nên Giáo sư Hiệu đã nói rất say sưa. Mái tóc bạc trắng, đôi mắt hấp háy, thỉnh thoảng ông còn vung tay (một điều rất hiếm thấy ở ông) còn tôi thì giả vờ nghe chăm chú, đầu gật gật dù chẳng hiểu mấy nội dung ông nói là gì. Cuộc phỏng vấn dài đến quá trưa, tôi phải xin phép ra về trong sự nuối tiếc của vị Giáo sư già Nguyễn Văn Hiệu. Tôi đem toàn bộ phần bóc băng, dựng thành bài phỏng vấn rồi nhờ TS Tấn sửa giúp. Khi đưa bài phỏng vấn để ông xem lại, ông sửa rất ít và có vẻ vui. Có lẽ đến giờ, ông vẫn không biết tôi chỉ là kẻ... "đóng thế"!

 

Câu chuyện về tuổi thơ lam lũ

 

Phải đến khoảng 5 năm sau (2003), tôi mới lại gặp ông lần thứ hai tại Viện Vật lý trên đường Hoàng Quốc Việt. Hôm đó, ông đã kể với tôi về tuổi thơ của mình, về những năm tháng du học và cả tình cảm đối với người mẹ kính yêu của ông.

 

Sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng vào đúng những năm tháng đất nước loạn lạc, hình ảnh người mẹ gánh hai đứa em trong hai cái thúng theo sau là 5 đứa  trẻ con lóc  trên đường tản cư đã in đọng trong tâm trí cậu bé Nguyễn Văn Hiệu. "Mẹ tôi đã nuôi tuổi thơ tôi bằng cơm độn ngô, độn sắn ăn với rau khoai luộc và chút mắm tép trên đường chạy giặc - đó là lời mở đầu của ông về tuổi thơ của mình - Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao ngay từ những ngày đầu mới giành được độc lập mà ở đâu cũng có trường để chúng tôi theo học. Còn những tình cảm của người dân vùng chúng tôi tản cư thì thật tuyệt vời. Phải nói một cách đúng mức, ngày đó chúng tôi sống được là nhờ tấm lòng của bà con. Họ đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc chúng tôi như những người ruột thịt. Tôi cũng không lý giải được tại sao ngày ấy  nhân dân ta lại có niềm tin mãnh liệt như thế. Nhà cửa để lại, gia tài để lại, cứ đi như không có điểm dừng và cũng không biết đến bao giờ nhưng lòng vẫn tin chắc chắn kháng chiến sẽ thắng lợi, sẽ có ngày trở về quê hương".

 

Tuy nổi tiếng  thông minh nhưng con đường học hành của Nguyễn Văn Hiệu không được suôn sẻ. Năm 1948, ông phải bỏ dở do trường ở xa, nhà lại neo người. Năm 1949, tản cư vào Thanh Hóa, ông tiếp tục theo học nhưng phải giúp mẹ làm rất nhiều nghề để sinh nhai và đến năm 1952, ông lại phải nghỉ học để giúp mẹ nuôi dạy các em. Đây là thời điểm để lại cho ông những ấn tượng sâu nặng và buồn nhất vì trong đời, niềm say mê lớn nhất của ông là được đi học, được cắp sách đến trường. Nhiều hôm nhớ thày, nhớ bạn, cậu bé Hiệu lặng lẽ khóc một mình.

 

Ông chìa cho tôi xem bàn tay bị mất một đốt, kỉ niệm những ngày phải bỏ học vào rừng lấy lá sim về nhuộm sợi. Hình như đến bây giờ, ông vẫn không quên được những bát cơm một hạt gạo cõng mấy lát khoai khô và nồi cơm hết nhẵn khi hãy còn nóng hôi hổi.

 

Cuộc phỏng vấn qua intenet về Nhân tài Đất Việt

 

Cách đây ít hôm, nhân Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 6 của Hội Khuyến học Việt Nam thành công, biết ông đang rất bận nên chúng tôi không gặp trực tiếp mà xin gửi nôi dung phỏng vấn. Thật không ngờ chỉ ba hôm sau, tôi đã được nhận đầy đủ câu trả lời của ông về những vấn đề mà chúng tôi quan tâm.

 

  một nhà khoa học lớn, vì  sao ông lại nhận lời giúp Nhân tài  Đất Việt ngay từ những buổi ban đầu?

 

Tuy rằng khi mới bắt  đầu thì cuộc thi NTĐV chỉ giới hạn ở  lĩnh vực CNTT, song BTC đã nhận được khá nhiều sản phẩm đa dạng gửi đến dự thi. Việc khảo sát, đánh giá để chọn ra các sản phẩm xuất sắc nhất đòi hỏi Hội đồng Giám khảo (HĐGK) phải hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Các thành viên HĐGK đều là các chuyên gia kỳ cựu về CNTT ở nước ta, ai cũng rất bận với các trọng trách của mình. Nhằm động viên, khích lệ các thành viên HĐGK dành nhiều thời gian chấm thi và làm việc thật nhiệt tình, miệt mài để tìm ra các sản phẩm xuất sắc nhất một cách chính xác và kịp thời, Chủ tịch HKH VN giao cho tôi nhiệm vụ tham gia hoạt động của Hội đồng. Hiểu rằng đó là một việc làm ích lợi, tôi đã nhận nhiệm vụ.

 

NTĐV 2010 đã trở thành Giải thưởng lớn mang tầm cỡ  Quốc gia. Theo ông, nguyên nhân nào  đẫn đến thành tựu này?

 

Ngay từ năm đầu tiên cuộc thi NTĐV đã được cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT trong cả nước hưởng ứng một cách sôi nổi và đã phát hiện để tôn vinh những chuyên gia CNTT tài năng của đất nước mà phần lớn là những người còn rất trẻ và đầy triển vọng. Cuộc thi đã có tác dụng động viên giới CNTT nước ta nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để sáng tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học và khả năng ứng dụng vào thực tiễn ngày càng cao. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương và giới khoa học trong cả nước đã quan tâm theo dõi và khích lệ những cá nhân và tập thể tài năng được trao giải thưởng, nhờ đó mà vị thế của Cuộc thi NTĐV trong CNTT ngày càng được nâng cao.

 

Đánh giá cao vai trò của Cuộc thi NTĐV trong CNTT, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khuyên Hội Khuyến học Việt Nam nên mở rộng việc trao Giải thưởng NTĐV sang các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, HKH VN đã phối hợp với Viện KH&CN VN và với Bộ Y tế tổ chức việc trao Giải thưởng NTĐV trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên từ năm 2009, Giải thưởng NTĐV trong lĩnh vực Y-Dược từ năm 2010.

 

Với tư  cách một nhà khoa học, xin ông cho biết từ khi mở  rộng sang lĩnh vực khoa học tự  nhiên, Giải thưởng NTĐV  đã có tác động như  thế nào?

 

Từ khi nền kinh tế  nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, sự đãi ngộ của nhà nước và của xã hội đối với những người nghiên cứu khoa học càng ngày càng sa sút so với sự đãi ngộ những người trong các lĩnh vực khác. Nhiều nhà khoa học có tài được đào tạo từ mấy chục năm trước đi ra nước ngoài làm việc, nếu còn ở lại trong nước thì trình độ cũng tụt hậu dần, chỉ còn lại một số rất ít vẫn miệt mài, kiên trì làm khoa học và tiếp tục đạt được những thành tích xuất sắc. Việc trao Giải thưởng NTĐV trong lĩnh vực KHTN, gọi chính xác là Giải thưởng Khoa học tự nhiên Việt Nam là để phát hiện và tôn vinh những nhân tài khoa học của đất nước và đã phần nào bù đắp về tinh thần những thiệt thòi mà giới khoa học phải chịu đựng trong hơn một thập niên vừa qua, đã an ủi và động viên họ tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp xây dựng nền khoa học của nước nhà, đồng thời giới thiệu với Nhà nước và xã hội những nhân tài chưa được phát huy tài năng để Nhà nước và xã hội trọng dụng.

 

Tôi xin dẫn ra một thí  dụ cụ thể. Năm nay một Giải thưởng KHTN VN đã  được trao cho GS. Đào Tiến Khoa để ghi nhận những công trình nghiên cứu xuất sắc về Vật lý hạt nhân của ông được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao. Để thực hiện Quyết định của Quốc hội về việc phát triển năng lượng hạt nhân, nước ta đang rất cần đào tạo nhân lực về khoa học và kỹ thuật hạt nhân. Giáo sư Đào Tiến Khoa là người có thể có đóng góp lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực đó. Chúng tôi phát hiện, tôn vinh ông cũng là nhằm mục đích giới thiệu ông với Nhà nước, vì lâu nay tài năng của ông vẫn chưa được phát huy. 

 

Tôi cũng rất mong rằng việc tôn vinh và trọng dụng những nhân tài khoa học sẽ khích lệ thanh niên ta dấn thân cho sự  nghiệp xây dựng nền khoa học Việt Nam.

 

Theo ông, NTĐV cần phải làm gì  để phát triển lâu dài?

 

Tôi mơ ước rằng Giải thưởng NTĐV sẽ tiếp tục được trao cho những chuyên gia và những nhà khoa học xuất chúng của Việt Nam một cách liên tục và lâu dài, từ năm này qua năm khác. Muốn được như vậy cần phải có một Quỹ giải thưởng tồn tại mãi mãi, giống như Giải thưởng Nobel trên thế giới và một Hội đồng Giải thưởng cũng hoạt động lâu dài để xét lựa các nhà khoa học xứng đáng được trao giải thưởng.

 

Xin được hỏi ông một câu riêng tư. Những người thân của ông phản ứng như  thế nào trước việc mỗi năm  ông tài trợ cho giải thưỏng KHTN của NTĐV 100 triệu  đồng từ nguồn thu nhập cá nhân?

 

Người thân nhất của tôi, đồng sở hữu sổ tiết kiệm của tôi, hiểu rất rõ ý nghĩa sâu xa của việc trao Giải thưởng và rất khích lệ tôi đóng góp mỗi năm một Giải thưởng KHTN VN.

 

Xin cám ơn ông!

 

Bùi Hoàng Bảo Vân