Một “phép màu” đầy yêu thương!
(Dân trí) - “Thấy học trò than thở lúa chín bị mưa gió làm đổ rạp máy không gặt được, thầy giáo Lê Hoài Nam 'rủ rê' học sinh đi gặt lúa phụ bạn. Kết quả ngoài sức tưởng tượng khi cả lớp cùng đi, còn có cả cô chủ nhiệm, phụ huynh...”, một câu chuyện ấm áp tình người được báo Tuổi trẻ đăng tải ngày 27/4.
Theo đó, chỉ vài câu “kể lể” trên trang Facebook cá nhân cho nhẹ lòng của Nguyễn Văn Tình khi đi học về thấy mẹ trở bệnh, cha thở dài vì chưa tìm ra cách gì để gặt một mẫu lúa đã đến độ chín nhưng bị mưa gió làm đổ rạp khiến máy gặt không gặt được, các anh chị đi làm ăn xa còn mình lại sắp bước vào kỳ thi cuối học kỳ, có lẽ cậu học sinh lớp 12B1 Trường THCS&THPT Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) không thể ngờ, một “phép màu” đầy yêu thương lại đến theo một cách giản dị, đầy tự nhiên đến vậy.
Nhìn những bàn tay cầm bút thành thục nhưng cũng không kém khi cầm liềm, những nụ cười tươi rói và những niềm vui lấp lánh trong ánh mắt các cô cậu học trò tuổi 17, 18 thần tiên, hẳn không chỉ tôi mà bất cứ ai cũng dậy lên trong lòng những xúc cảm đầy đẹp đẽ.
Như chính thầy giáo của các em – thầy Lê Hoài Nam, Bí thư Đoàn trường có nói, “lúc đó trong lòng tự nhiên thấy vui, chỉ đơn giản là thấy học trò có ý thức về sự san sẻ”. Thầy Nam là một giáo viên dạy thể chất, nhưng bài học thực tiễn của thầy còn thiết thực hơn cả những trang giáo án về môn giáo dục công dân.
Chỉ với một dòng bình luận ngắn ngủi của thầy “ngày mai, thầy và các bạn sẽ đến giúp em”, người thầy ấy đã mang lại một giá trị tinh thần rất lớn cho học trò, đó là bài học về “tương thân tương ái”, bài học về tinh thần đoàn kết… cho các em. Để rồi sau này, đây sẽ là những kỷ niệm đẹp nhất của các em về những năm tháng hồn nhiên, vô tư trên ghế nhà trường.
Dĩ nhiên, bất cứ hoạt động nào của thầy trò ngoài giờ lên lớp cũng cần phải được tổ chức đảm bảo an toàn cho học sinh, song thiết nghĩ, cách làm của thầy Nam cần được những người trong ngành giáo dục lưu tâm đến.
Có gì đẹp hơn, ý nghĩa hơn trong sự nghiệp giáo dục, ấy là gieo nên những hạt mầm thiện tâm trong cách ứng xử, trong tâm hồn của học sinh? Bởi khi các em bước ra cánh cửa cuộc đời, nếu biết đứng ra làm những điều thiện lành, biết đứng về những người yếu thế… thì ít nhất, không thành công các em cũng “thành nhân”. Xã hội và bản thân gia đình các em cũng thực sự trông chờ vào điều đó!
Tôi lại lật giở những dòng tin cũ. Thầy trò ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý cùng trồng rau, nuôi heo bán lấy tiền gây quỹ lớp và giúp đỡ học sinh nghèo. Cậu bé Vi Tuấn Khanh ở Nghệ An 7 năm liền đưa bạn đến trường…
Vẫn còn biết bao câu chuyện giàu tình người, thấm đẫm nhân văn tựa như những dòng suối mát lành làm dịu tâm hồn chúng ta giữa những thất vọng, bức xúc, bất bình… về các tồn tại của ngành giáo dục, của đời sống xã hội.
Ước sao, những người làm báo như chúng tôi được chứng kiến, được viết về những câu chuyện truyền cảm hứng như thế thêm nhiều, thật nhiều lần nữa trong đời cầm bút của mình!
Bích Diệp