Lời thề Hippocrates danh dự đã tan theo danh lợi

(Dân trí) - Những đóng góp của ngành y tế đối với cộng đồng, những tấm gương hết lòng vì bệnh nhân của ngành y tế có lẽ không cần phải nói đến thì mọi người dân đều biết. Nhiều năm qua, “Nhân tài Đất Việt”, một giải thưởng uy tín về khoa học đều có chương trình tôn vinh những thầy thuốc có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà.

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Thế nhưng công bằng mà nói, việc làm của một số cá nhân và cả nhóm người trong ngành y tế vừa qua đã khiến dư luận rất bất bình, làm hoen ố hình ảnh “lương y” mà bao thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã dày công vun đắp….

 

Kết quả thanh tra của Thanh tra  Sở Y tế TPHCM về tiêu cực tại 3 bệnh viện lớn của thành phố, đó là Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình - đã gây “chấn thương” không chỉ trong ngành y tế mà đối với toàn xã hội.

 

Hai chữ “Y ĐỨC” đã bị đồng tiền hủy diệt. Lời thề Hippocrates đầy danh dự đã tan theo mối lợi thị trường.

 

Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân liên kết bên ngoài (thực ra là sân sau) đưa máy móc thiết bị vào kinh doanh. Bệnh nhân trở thành miếng mồi khai thác béo bở, bác sĩ cứ mặc sức chỉ định chụp, chiếu cho dù họ biết có những ca không cần phải thực hiện như vậy. Họ chia nhau tiền tỉ, bất cần biết bệnh nhân là những người nghèo khổ phải chạy ăn từng bữa, vay mượn từng đồng đi khám chữa bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đều móc túi bệnh nhân theo cách gian lận phim. Với kỹ thuật cắt tráo, xén phim, các nhóm bác sĩ ở đây đút túi hàng tỉ đồng. Vụ việc còn rất phức tạp, có thể chuyển sang điều tra hình sự.

 

Nhìn ngược lại một vài vụ gần đây như bớt vaccine ở Phú Yên, tiêu cực tại Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội, có thể thấy còn quá nhiều tồn tại trong ngành y tế. Xã hội ngày càng thiếu lòng tin và sự tôn trọng đối với  y - bác sĩ, bởi vì còn có không ít trường hợp gây mất lòng tin như nêu trên.

 

Nhìn chung theo mặt bằng xã hội, y - bác sĩ ở các bệnh viện lớn của hai thành phố lớn nhất nước này có nghèo không, thu nhập có thấp không? Có thể nói là không. Chưa kể, những người tổ chức được các trò gian lận, tiêu cực, đưa máy móc vào khai thác ở bệnh viện đều là lãnh đạo của các phòng, ban hoặc lãnh đạo bệnh viện. Với các vị trí này, họ là những người có thu nhập cao, chưa kể còn có nguồn thu nhập từ hoạt động phòng mạch cá nhân. Thế nhưng, họ vẫn sẵn sàng làm những việc phi đạo đức, thậm chí coi thường mạng sống bệnh nhân để trục lợi. Nói đúng hơn, bằng những cách như vậy, họ làm giàu, rất giàu.

 

Còn bao nhiêu chuyện tương tự ở các bệnh viện nhưng chưa bị phát hiện, chưa có điều kiện để thanh tra? Đây là câu hỏi cần phải được giải đáp, không thể để người bệnh trở thành con mồi cho một số y – bác sĩ thất đức khai thác.

 

Người ta nói, đến một quốc gia, nhìn gương mặt trẻ em thì biết chất lượng sống của quốc gia đó. Rất đúng.

 

Người ta nói, đến một quốc gia, nhìn vào hệ thống giao thông và tổ chức giao thông thì biết trình độ văn minh của quốc gia đó. Chính xác.

 

Người ta nói, đến một quốc gia, nhìn bệnh nhân được điều trị, chăm sóc trong bệnh viện thì biết quốc gia đó lo cho dân chúng như thế nào. Tuyệt đối đúng.

 

Vậy thì với những “con sâu” như vậy, chúng ta sẽ đứng ở đâu trong quan sát của thế giới?

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!