Lễ hội văn hóa phải đồng hành với thế giới văn minh

(Dân trí) - Tổ chức Động vật châu Á phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành luật chấm dứt Lễ hội chém lợn truyền thống tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Họ đã làm một việc đúng, phù hợp với quan niệm thẩm mỹ văn hóa của thế giới văn minh.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi con người sống hòa thuận với thiên nhiên, giáo dục thế hệ trẻ yêu mến động vật, bảo vệ động vật. Ngay cả với những vật nuôi để lấy thịt, con người có thể lấy đó làm nguồn thực phẩm, nhưng không thể cư xử tàn bạo với nó và xem đó là văn hóa.

Làm sao người lớn có thể dạy dỗ con cái yêu thiên nhiên, yêu động vật, khi con cái chúng ta chứng kiến việc vung dao chém lợn một cách dã man giữa tiếng reo hò. Trước những cảnh chém giết máu me này, tâm lý, tinh thần của các em sẽ bị tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của các em.

Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng: “nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Đây là lễ hội tàn bạo, có những tác động tiêu cực đối với xã hội và đang bị lên án mạnh mẽ”.

Trước khi có sự lên tiếng của Tổ chức Động vật châu Á, tỉnh Bắc Ninh đã bỏ tục chém lợn, vì nhận thấy tục này không còn phù hợp. Lễ hội truyền thống tại làng Ném Thượng chuyển thành lễ hội rước lợn.

Cái khéo của địa phương là thuyết phục người dân vẫn giữ được lễ hội văn hóa truyền thống nhưng thay đổi cách tổ chức, tên gọi, để lễ hội phải thực sự văn hóa, văn minh. Người dân cũng làm thịt lợn để có cỗ tế thánh, nhưng không tổ chức chém lợn cho cộng đồng xem như tục cũ.

Còn nhiều lễ hội khác có hình thức dã man tương tự, cũng cần tính đến việc thay đổi cho phù hợp.

Điển hình như lễ hội đâm trâu của người dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng. Con trâu bị trói vào cột và chờ đợi từng cú đâm kinh hoàng, trong tiếng cồng chiêng.

Có nên không khi con người cư xử với động vật như vậy. Con trâu biết nó sẽ bị giết, đưa mắt như van xin được sống, trong lúc con người lại vui vẻ, hân hoan chứng kiến cảnh tượng giết chóc dã man đó.

Chưa kể, đối với nhiều dân tộc của Việt Nam, con trâu rất gần gũi, gắn liền với nghiệp nhà nông, không chỉ là việc đồng áng, nương rẫy mà còn nhiều việc khác.

Nên chăng, cũng duy trì lễ hội đâm trâu truyền thống, nhưng cách thay đổi sáng tạo như Bắc Ninh. Các hoạt động văn hóa, ca hát, nhảy múa, cồng chiên phục vụ cho lễ hội rước trâu. Còn giết trâu tế lễ chỉ nên thực hiện trong phạm vi hẹp, không làm hoành tráng cho cộng đồng xem như hiện nay.

Giữ gìn bản sắc văn hóa nhưng nên có chọn lọc, có tiếp thu và có thay đổi để đồng hành cùng nhân loại văn minh.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!