Không để thói vô trách nhiệm làm rối loạn xã hội!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Kiên quyết không để thói vô trách nhiệm với bản thân, vô trách nhiệm với cộng đồng làm rối loạn đời sống xã hội.

Không để thói vô trách nhiệm làm rối loạn xã hội! - 1

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 2.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc áp dụng bắt buộc khai báo y tế đối với toàn dân trong thời gian tới. Những trường hợp trốn khai báo y tế phải xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự để răn đe, nâng cao ý thức cho cộng đồng.

Đại dịch covid - 19 bùng phát trở lại vào những ngày giáp tết đã tạo sự đảo lộn không nhỏ trong đời sống xã hội. Nhiều ngày, số người mắc lên tới con số hàng chục và chưa có dấu hiệu khả quan. Nhiều lĩnh vực kinh doanh ở một số địa phương đã bị ngưng trệ, một số nơi đã phải áp dụng biện pháp cách ly.

Trong khi Chính phủ, các nhà khoa học, các y bác sĩ cùng với đông đảo người dân đang tập trung quyết liệt nhằm ngăn chặn đại dịch thì tiếc thay, lại có một số người thiếu trách nhiệm, cố tình che giấu, không khai báo y tế.

Theo thông tin từ Vietnam Net, Bộ Y tế và Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 cho biết, có tới 20% F0 là bệnh nhân mắc Covid-19 không hợp tác với cơ quan chức năng để truy vết, hàng trăm F1 không chủ động khai báo y tế, không hợp tác, từ chối giao tiếp, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi, người dân ở các vùng có dịch, đặc biệt ở khu vực Chí Linh, một phần Kinh Môn, Nam Sách (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh) cùng với việc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như hiện tại, hãy dùng tối đa các phương tiện, công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho Tổ thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia tất cả những người đã tiếp xúc với mình thời gian qua.

"Đồng thời mọi người cũng kêu gọi những người đấy dù hiện đang ở đâu cũng khai báo y tế và cung cấp thông tin. Việc này không chỉ bảo vệ mình mà còn vì sự an bình của cả đất nước". Ông Đam kêu gọi.

Biết rằng năm hết, tết đến, việc phải khai báo y tế rồi có thể phải thực hiện cách ly là rất phiền toái cho bản thân và gia đình. Song, nếu không thực hiện nghiêm, sẽ là hậu họa lớn cho chính họ, gia đình, những người thân của họ và cho đất nước.

Mặt khác, việc không hợp tác trong phòng chống dịch bệnh còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội thì hành vi cản trở, chống lại thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ số tiền phạt lên đến 5.000.000 đồng. Còn theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 07 năm.

Vì thế, một mặt cần tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kêu gọi những người nằm trong diện nghi vấn tham gia khai báo y tế, thực hiện nghiêm những qui định về phòng chống dịch bệnh, cần phải nghiêm khắc xử lý những đối tượng không hợp tác với cơ quan chức năng để truy vết, không chủ động khai báo y tế, không hợp tác, từ chối giao tiếp, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Kiên quyết không để thói vô trách nhiệm với bản thân, vô trách nhiệm với cộng đồng làm rối loạn đời sống xã hội.

Hãy chung sức, đồng lòng và có biện pháp kiên quyết khống chế sự lây lan của đại dịch bởi "Có thực hiện nghiêm túc vấn đề này thì chúng ta mới đảm bảo được an toàn phục vụ sản xuất, phát triển" như lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.